Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công cụ hữu ích của doanh nghiệp

Thu Hằng| 11/08/2021 07:48

(HNM) - Trong giai đoạn hiện nay, nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp được xem là một trong các công cụ quan trọng, hữu ích đối với doanh nghiệp. Trên thực tế, nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp đã, đang hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác thông tin phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ.

Lễ khai trương Trạm IP PLATFORM vào ngày 23-4-2021 tại thành phố Hải Phòng.

Nhiều tiện ích ưu việt

Nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp (IP PLATFORM) do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Công ty cổ phần Ứng dụng khoa học và công nghệ (MITEC) và các đối tác thiết kế, xây dựng. Nền tảng này đã đi vào hoạt động chính thức từ tháng 5-2020, do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ vận hành.

IP PLATFORM cho phép doanh nghiệp truy cập, khai thác miễn phí tại địa chỉ www.ipplatform.gov.vn.

Theo Tiến sĩ Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, thông tin sở hữu công nghiệp bao gồm các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý... Đây là nguồn thông tin rất quan trọng đối với doanh nghiệp, là cơ sở để xác định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp kỹ thuật công nghệ có thể áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. IP PLATFORM được đưa vào sử dụng đã giúp các tổ chức, cá nhân chủ động hơn trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ cũng như khai thác, thương mại hóa loại tài sản đặc biệt này.

Kết quả tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp được phân tích, đánh giá để làm cơ sở cho doanh nghiệp đưa ra các quyết định liên quan đến việc yêu cầu xác lập quyền; sử dụng, khai thác đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan; tiến hành các biện pháp bảo vệ và các nội dung quản lý thích hợp đối với tài sản trí tuệ liên quan. Ngoài ra, nó cũng là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng, trình phê duyệt và các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, nghiệm thu kết quả các đề tài, dự án có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, IP PLATFORM hỗ trợ các Sở Khoa học và Công nghệ khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Các Sở Khoa học và Công nghệ có thể sử dụng số liệu thống kê, tình hình đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ở địa phương mình có trên IP PLATFORM để làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; bảo đảm cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tiếp cận dễ dàng, kịp thời thông tin sở hữu công nghiệp thông qua tư vấn, hướng dẫn khai thác IP PLATFORM tại các trạm IP PLATFORM.

Với những tiện ích ưu việt so với những công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trước đây, nền tảng IP PLATFORM đã nhận được Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2019. Hy vọng việc đưa vào vận hành nền tảng IP PLATFORM sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển, bảo vệ, thương mại hóa sở hữu công nghiệp, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, sẵn sàng ra biển lớn.

Đẩy mạnh mở rộng hệ thống

Kể từ khi vận hành đến nay, nền tảng IP PLATFORM ngày càng nhận được sự quan tâm, khai thác và sử dụng. Nhiều đơn vị đã thiết lập Trạm IP PLATFORM và xây dựng giao diện quản trị tài sản trí tuệ kết nối với nền tảng IP PLATFORM.

Là một đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ công lập lớn nhất trong lĩnh vực trồng trọt, hằng năm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tạo ra hàng chục loại giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như chuyển giao một loạt thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các bên liên quan. Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc quản trị và phát triển các tài sản trí tuệ vẫn còn ít và chưa xứng với tiềm năng của viện.

“Trước đây, các sản phẩm khoa học, công nghệ như giống, quy trình kỹ thuật chúng tôi nghiên cứu ra chưa có thị trường, mà chủ yếu để phục vụ yêu cầu của Nhà nước, tức là dành cho người nông dân sử dụng, đa phần là miễn phí thông qua hệ thống khuyến nông. Hiện tại, chúng ta đã bước sang giai đoạn thị trường hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ. Sản xuất nông nghiệp không phải chỉ có nông dân, mà đã có sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong tương lai, nhu cầu của doanh nghiệp về các tài sản trí tuệ sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc các viện nghiên cứu phải đẩy mạnh hơn quá trình thiết lập quyền bảo hộ tài sản trí tuệ của mình để trở thành người cung cấp “vốn chất xám” hiệu quả”, Tiến sĩ Đào Thế Anh thông tin thêm.

Bà Lê Kim Anh, Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh cho biết, sử dụng nền tảng IP PLATFORM giúp doanh nghiệp không phải trực tiếp đến tận nơi nộp hồ sơ liên quan nữa, mà có thể làm việc ngay trực tiếp tại văn phòng, rất thuận tiện và nhanh chóng.

Trong thời gian tới, để vận hành hiệu quả và khai thác giá trị gia tăng do nền tảng IP PLATFORM mang lại, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tiếp tục phối hợp với các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức trung gian, hiệp hội… mở rộng hệ thống các Trạm IP PLATFORM và hướng dẫn khai thác IP PLATFORM, nhằm đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến gần hơn với công chúng, góp phần hỗ trợ hoạt động phát triển và quản trị tài sản trí tuệ, cũng như hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công cụ hữu ích của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.