Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công cụ đánh giá hoạt động cải cách từng lĩnh vực

Hà Phong| 18/08/2018 06:18

(HNM) - Sáng 17-8, báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Chỉ số APCI 2018) lần đầu tiên được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính công bố, với những thông tin về chi phí thực thi thủ tục hành chính mà doanh nghiệp và tổ chức phải trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành. Theo đánh giá, Chỉ số APCI 2018 sẽ là công cụ giúp lượng hóa nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ, ngành trên các lĩnh vực minh bạch, rõ ràng và công tâm hơn.


Đo lường từ hơn 3.000 doanh nghiệp

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Hội đồng, Chỉ số APCI 2018 được công bố là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng của nhóm chuyên gia kết hợp với sự tham gia tích cực của các thành viên hội đồng. Báo cáo cho thấy những dữ liệu thu thập, đo lường từ trải nghiệm của hơn 3.000 doanh nghiệp trên cả nước về thời gian và chi phí cần thiết để hoàn thành một trong 8 nhóm thủ tục hành chính có tác động nhiều tới hoạt động kinh doanh của đơn vị gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; hải quan; đất đai; môi trường; xây dựng.



Điểm sáng của bảng xếp hạng Chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục hành chính thuế với chi phí tuân thủ chỉ hơn 73 nghìn đồng, thời gian thực hiện trung bình là 2,9 giờ. Đây là một trong những nhóm thủ tục được Ngân hàng Thế giới vinh danh trong báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh 2018 khi tăng gần 15/100 điểm so với năm 2017 (từ 57,99 lên 72,77 điểm).

Đứng thứ hai là nhóm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ khá hợp lý, khoảng 720 nghìn đồng, thời gian thực hiện 10,4 giờ. Những cải cách này đã đem lại kết quả đáng khích lệ với số doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng tăng. Lần lượt phía sau là nhóm thủ tục hành chính hải quan; đất đai; giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh. Từ hạng sáu đến bảy là nhóm thủ tục hành chính đầu tư, môi trường.

Đứng sau cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục xây dựng với chi phí là 64,1 triệu đồng (gấp rất nhiều lần nhóm thủ tục thuế), thời gian thực hiện 108,9 giờ.

Báo cáo cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

Dư địa cải cách còn nhiều

Lý giải về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính có độ vênh khá lớn ở các lĩnh vực và địa phương, nhóm khảo sát cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành Thuế đã có lộ trình cải cách với kết quả tích cực, đặc biệt là về kê khai hoàn thuế giá trị gia tăng; nâng cấp nhiều ứng dụng vào công tác quản lý thuế, nộp thuế điện tử. Từ đó, tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp; đồng thời góp phần hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp, được cộng đồng ghi nhận.

Với nhóm thủ tục xây dựng, mặc dù chi phí thời gian của nhóm này không ở nhóm cao nhất, nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm này trở nên đắt đỏ bậc nhất. Với mỗi triệu đồng mà doanh nghiệp phải chi trả thì 0,93 triệu đồng là chi phí trực tiếp doanh nghiệp cần để hoàn thiện hồ sơ và 0,07 triệu đồng là chi phí thời gian.

Chi phí tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao là do thời gian chuẩn bị hồ sơ dài, cộng với chi phí trực tiếp cao, gồm cả chi phí không chính thức và chi phí tư vấn. “Đây là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả thủ tục hành chính và công tác cán bộ” - ông Ngô Hải Phan phân tích.

Cùng quan điểm, các doanh nghiệp tham dự cho rằng, báo cáo Chỉ số APCI 2018 sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách. Song sau đó, các bộ, cơ quan, địa phương sẽ sử dụng kết quả này ra sao để kéo giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, giám sát.

Nhấn mạnh dư địa cải cách còn rất nhiều, các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân phản ánh khi làm thủ tục hành chính còn phải đi lại nhiều lần, với nhiều loại chi phí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, báo cáo Chỉ số APCI 2018 lần đầu triển khai nên có thể có những thứ chưa thể “tròn trịa”, nhưng việc này cũng sẽ giúp việc đánh giá hoạt động cải cách từng lĩnh vực minh bạch, rõ ràng và công tâm hơn. Đồng thời, Chính phủ sẽ có thêm 1 công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ, ngành và từ đó tạo sức ép, sự cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị. “Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm vấn đề kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo một nghiên cứu, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí. Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không muốn rời bỏ quyền lợi”.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công khai, minh bạch thủ tục thì chi phí lót tay sẽ giảm rất nhiều. Trên thực tế, đã có nhiều địa phương triển khai tốt mô hình trung tâm hành chính công, người dân muốn cảm ơn cũng không biết đưa phong bì cho ai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công cụ đánh giá hoạt động cải cách từng lĩnh vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.