(HNMO)- Bộ Công thương vừa công bố hạn ngạch nhập khẩu đối với các mặt hàng trứng gia cầm, muối và đường năm 2012. Công bố này khiến dư luận lo ngại sẽ tạo thêm áp lực khi bối cảnh sản xuất trong nước khó khăn, doanh nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề hàng tồn kho rất lớn.
Tuy nhiên. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã đàm phán để giành được quyền bảo hộ đối với một số mặt hàng nông sản trong nước, tức là áp thuế nhập khẩu cao với một số mặt hàng như đường, muối... Theo quy định của WTO, nếu giành được quyền áp thuế nhập khẩu cao với một số mặt hàng cần bảo hộ, hàng năm chúng ta cũng phải cấp hạn ngạch cho nhập khẩu một số lượng nhất định đối với các mặt hàng trên. Nếu không công bố hạn ngạch nhập khẩu sẽ vi phạm các quy định của WTO. Do vậy, việc cấp hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm này là điều bắt buộc nhằm tuân thủ cam kết WTO.
Hơn nữa, theo lộ trình cắt giảm thuế khi gia nhập WTO, từ nay đến năm 2018, các mức thuế bảo hộ cũng sẽ giảm dần với các ngành sản xuất trong nước đang được bảo hộ cao như muối và đường. Như vậy các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tự cạnh tranh và phát triển, nếu không muốn hàng ngoại át hàng nội.
Thực hiện theo cam kết WTO, hạn ngạch nhập khẩu năm nay là 102.000 tấn muối, 70.000 tấn đường và 40.000 tá trứng gia cầm. Trong đó, 100.000 tấn muối được phân cho các thương nhân trực tiếp sản xuất hóa chất và 2.000 tấn sẽ phân cho các thương nhân sản xuất thuốc và các sản phẩm y tế. Đối với đường, 50.000 tấn được giao cho các doanh nghiệp sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất và 20.000 tấn đường thô được giao cho các doanh nghiệp tinh luyện để phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống.
Giải thích về thời điểm công bố hạn ngạch nhập khẩu 3 mặt hàng trứng, muối, đường; Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nêu rõ: “Để quyết định cấp hạn ngạch nhập khẩu, hàng năm, các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đều phải cân nhắc rất kỹ về thời điểm cấp hạn ngạch, đối tượng được cấp hạn ngạch để không gây tác động không tốt tới sản xuất trong nước”.
“Chúng tôi để qua tháng 7, khi kết thúc vụ mía đường mới công bố hạn ngạch nhập khẩu để tính toán sao cho tiêu thụ hết lượng đường sản xuất trong nước. Đối với muối, tuy hạn ngạch công bố là 102.000 tấn, nhưng tính toán phân bổ đợt 1 chỉ có 53.000 tấn, trong đó 51.000 tấn cho các doanh nghiệp hóa chất. Đến thời điểm này chúng tôi mới phân bổ 1.544 tấn muối cho thương nhân sản xuất thuốc và thiết bị y tế. 97% hạn ngạch còn lại chúng tôi đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới tháng 9 mới phân bổ để đảm bảo tiêu thụ trong nước” – Thứ trưởng nói.
Xét về tác động của việc nhập khẩu đối với từng mặt hàng, Bộ Công thương cho biết, với mặt hàng muối, mặc dù sản xuất muối có thể đáp ứng về số lượng nhưng chất lượng muối sản xuất trong nước vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cho một số lĩnh vực sản xuất như hóa chất, chế biến thực phẩm, dược phẩm. Theo đó, nhập khẩu muối là cần thiết đối với nhu cầu tiêu thụ muối chất lượng cao.
Với riêng mặt hàng trứng, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho hay: Thực chất Bộ Công thương công bố hạn ngạch nhập khẩu với thuế suất ưu đãi cho trứng, nhưng từ trước tới nay chưa từng có doanh nghiệp nào đăng ký nhập vì không hiệu quả, giá trứng trong nước luôn rất cạnh tranh.
Ngoài ra, với mặt hàng đường, bên cạnh áp lực từ nguồn đường nhập khẩu tác động đến sản xuất trong nước và đời sống của người trồng mía, còn có thêm áp lực từ đường nhập lậu qua biên giới đã xảy ra trong nhiều năm qua nhưng chưa ngăn chặn được dứt điểm. Giải đáp về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường lực lượng Quản lý thị trường, phối hợp cùng Ban chỉ đạo 127 Trung ương và các tỉnh có đường biên tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, hiệu quả có được như mong muốn hay không thì lại phụ thuộc vào chênh lệch giá giữa trong và ngoài nước. Nếu lợi nhuận cao thì rất khó ngăn chặn nhập lậu. Chúng tôi luôn cố gắng điều hành để giá trong nước và thế giới không chênh lệch quá lớn”.
Bên cạnh đó, giải thích về việc Bộ Công thương vẫn áp dụng cơ chế phân giao hạn ngạch muối, đường (chứ chưa cho tổ chức đấu thầu) vì theo Bộ việc đấu thầu hạn ngạch chưa phù hợp với quy mô kinh tế Việt Nam, trình độ của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu đấu thầu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất ưu thế khi đấu thầu, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài do được tiếp cận vốn vay giá rẻ (tín dụng vay USD chỉ 2 - 3%).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.