(HNMO) - Sáng 8-5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau 3 lần công bố mẫu đề thi THPT, trước ngày 15-5 tới, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa giống như đề thi thật để thí sinh tập dượt.
Thí sinh sẽ qua nhiều lần tập dượt trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Ảnh minh hoạ |
Trước thời điểm chỉ còn gần một tháng nữa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra với nhiều điểm mới, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, các địa phương đều đã chỉ đạo sâu sát và sẵn sàng cho kỳ thi. Vào cuối tuần này, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT sẽ đi kiểm tra các đơn vị.
"Bộ lo lắng ban đầu làm sẽ có những chệch choạc trong nhập dữ liệu nhưng thực tế các địa phương làm rất nghiêm chỉnh, đạt đúng kế hoạch đề ra. Năm nay Bộ cũng cử các trường đại học có uy tín về địa phương tham gia tổ chức kỳ thi. Thực tế, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT những năm vừa qua các địa phương đều tổ chức tốt" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu.
Trước những lo lắng về điều kiện cơ sở vật chất cũng như thiếu hụt kinh nghiệm trong chống gian lận thi cử, đặc biệt với các thiết bị công nghệ cao tại nhiều địa phương, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, mỗi phòng thi có một giảng viên đại học. Các giảng viên này có kinh nghiệm coi thi trong nhiều năm nên sẽ trợ giúp cho giáo viên các tỉnh về phòng, chống gian lận trong thi cử. Về điều kiện cơ sở vật chất, các địa phương cũng rất linh hoạt trong chuẩn bị nên việc tổ chức kỳ thi sắp tới sẽ có rất thuận lợi.
Lợi ích "kép" của tuyển sinh theo nhóm
Về phía các trường đại học, quy chế tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, không giới hạn số trường nhưng chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất. Nếu xét tuyển độc lập, các trường sẽ rất khó xác định điểm chuẩn phù hợp với chỉ tiêu đăng ký. Vì vậy, việc các trường tham gia nhóm xét tuyển sẽ có nhiều thuận lợi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng phân tích, khi tham gia nhóm, trường có lợi và thí sinh cũng có lợi. Vì khi xác định được chuẩn vào các ngành, thí sinh không bị "trượt oan". Trong đợt một xét tuyển, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất để bảo đảm thí sinh được trúng tuyển vào ngành yêu thích nhất và đạt sự công bằng. Nhưng từ nguyện vọng bổ sung trở đi, các trường chủ động xét tuyển. Bộ chỉ quy định đợt một để tránh lộn xộn trong xét tuyển vì có số lượng lớn các trường đại học tham gia với số lượng chỉ tiêu lớn.
Theo số liệu thí sinh đăng ký thì có thể chia thành hai nhóm: nhóm phía Nam từ Quảng Bình trở vào và nhóm phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra. Hai nhóm này đã hình thành và các trường đã ngồi với nhau để phối hợp xét tuyển.
"Tuyển sinh theo nhóm được Bộ định hướng từ lâu. Năm 2015, lần đầu thi THPT quốc gia, Bộ đã muốn các trường tham gia xét tuyển theo nhóm. Tuy nhiên, khi đó, các trường chưa thấy được lợi ích của việc này. Năm nay các trường đã thấy được và đã tự thành lập nhóm. Việc lập nhóm định hướng rất tốt và đúng theo Luật giáo dục đại học. Năm sau, tổ chức thi xong, Bộ sẽ chuyển dữ liệu cho các trường, các trường tự xét tuyển và không có can thiệp nào" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.