Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022 của ngành Tư pháp

Hà Phong| 30/12/2022 17:24

(HNMO) - Ngày 30-12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký quyết định công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022 của ngành Tư pháp. Các sự kiện đã đánh giá một cách toàn diện những kết quả nổi bật của hoạt động tư pháp trong năm qua.

1. Bộ, ngành Tư pháp tham gia tích cực, trách nhiệm vào quá trình xây dựng Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Nhiều ý kiến của bộ, ngành Tư pháp đã được nghiên cứu tiếp thu, thể hiện tại Nghị quyết.

2. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được đặc biệt chú trọng, chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật tăng 10 bậc.

3. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án lớn về phổ biến, giáo dục pháp luật. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022 được tổ chức hiệu quả, thiết thực, phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.

4. Hệ thống thi hành án dân sự nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Kết quả thi hành xong về tiền đạt trên 75.240 tỷ đồng, tăng trên 28.156 tỷ đồng so với năm 2021 (trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng trên 12.000 tỷ đồng so với năm 2021).

5. Hợp tác quốc tề về pháp luật và tư pháp của bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tạo cơ hội hợp tác toàn diện với các đối tác lớn, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cho đất nước.

Điểm nhấn quan trọng là Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề "Kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế".

Cũng trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã tham mưu ký 2 Bản ghi nhớ hợp tác cấp Chính phủ, ký trên 10 văn kiện hợp tác cấp Bộ, trong đó có Ý định thư về dự án hỗ trợ Bộ Tư pháp Cuba; Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Tư pháp Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tham mưu, ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cấp nhà nước với Thái Lan; ký Chương trình hợp tác 3 năm với Bộ Tư pháp Đức; đàm phán thành công và khởi động 2 dự án mới với Ngân hàng thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.

6. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể "Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật" và Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp".

7. Thể chế trong công tác xây dựng ngành có bước hoàn thiện quan trọng, tạo cơ sở tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp các cấp.

Cùng với công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục, Cục; giữ nguyên mô hình tổ chức đối với 19 đơn vị và chuyển đổi mô hình một số đơn vị nhằm tiếp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyên môn hóa, chuyên sâu các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành.

8. Bộ Tư pháp đứng đầu chỉ số cải cách hành chính cấp bộ. Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vào ngày 25-5-2022, Chỉ số cải cách hành chính Bộ Tư pháp đạt 91.90/100 điểm - xếp thứ 1/17 bộ, là năm thứ tư liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm ba Bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ.

9. Lần đầu có chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng I và người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân trong toàn quốc. Điều này khẳng định vị trí, vai trò, tính chuyên nghiệp của trợ giúp viên pháp lý trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức.

10. Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật được Bộ Tư pháp tổ chức thành công. Tại 2 phiên thảo luận của diễn đàn, các diễn giả đã tập trung vào việc tiếp cận các gói hỗ trợ và quản trị rủi ro pháp lý; tháo gỡ vướng mắc và khơi thông nguồn lực trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 đã tạo "cầu nối" giúp nhà nước và doanh nghiệp "lắng nghe tiếng nói" của nhau; nhằm xác định, nhận diện một số vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, qua đó đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022 của ngành Tư pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.