(HNM) - Chiều 18-3, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL đã giới thiệu nội dung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, vừa được Chính phủ ban hành ngày 14-2-2015 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2015.
Những thay đổi nổi bật
Nghị định 21/2015/NĐ-CP gồm 5 chương, 14 điều, quy định chi tiết về chế độ nhuận bút, thù lao đối với hầu hết tác phẩm nghệ thuật. Trước đây, các ngành nghệ thuật này chịu sự điều chỉnh từ Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút nói chung. Nghị định ra đời sau 13 năm có những thay đổi nổi bật và hầu hết đáp ứng sự chờ đợi của người làm nghệ thuật.
Nhiếp ảnh cũng có những thay đổi nhuận bút khi tác phẩm được trưng bày, triển lãm. Ảnh: Bá Hoạt |
Nghị định mới áp dụng đối với đối tượng hẹp hơn, là những tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí phụ thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước. Đáng kể nhất là tỷ lệ phần trăm hoặc hệ số để tính nhuận bút cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác trong quy định mới đều tăng so với trước. Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL): "Khung nhuận bút, thù lao áp dụng cho các đối tượng trong nghị định được nới rộng hơn trước, cố gắng giữ mức tối thiểu và tăng mức tối đa để các bên thỏa thuận thuận lợi. Về cơ bản, với nghị định mới, nhuận bút, thù lao dành cho các đối tượng chính tăng khoảng 20%". Ngoài ra, nghị định mới có thêm các chức danh được hưởng chế độ nhuận bút, thù lao để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Như với điện ảnh là thêm chế độ cho đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh, người làm kỹ xảo, hóa trang. Với sân khấu là chỉ huy dàn nhạc trực tiếp trên sân khấu, họa sĩ phục trang, họa sĩ thiết kế đạo cụ, người thiết kế âm thanh, ánh sáng. Trước đây, các chức danh khác tham gia sáng tạo tác phẩm thường được hưởng theo phần trăm khoản nhuận bút của người đạo diễn hoặc sáng tác chính, nhưng giờ sẽ được tính theo phần trăm chi phí sản xuất tác phẩm. Như vậy, quyền lợi của các đối tượng có sự bình đẳng hơn.
Đối với tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh, quy định mới ghi rõ tỷ lệ phần trăm nhuận bút cho đối tượng được hưởng tính theo giá thành tác phẩm - được coi là căn cứ dễ tính toán hơn. Đáng lưu ý là trong nghị định này, tỷ lệ phần trăm mức lương cơ sở tính nhuận bút cho tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh sử dụng để trưng bày, triển lãm cũng tăng lên đáng kể, và quy định rõ theo từng cấp trưng bày chứ không còn chung chung như trước.
Đã qua thời "nhuận bút chỉ đủ uống trà"?
Về chuyện nhuận bút, thù lao thấp, không phù hợp với thực tiễn thì lâu nay đã nghe các nghệ sĩ phàn nàn nhiều lần. Ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhiều tác giả xác định "có cơ hội được triển lãm hay mời tham gia triển lãm là vui rồi, chứ nhuận treo có khi chỉ đủ uống trà".
Chế độ nhuận bút, thù lao mới được coi là sẽ tạo sự công bằng hơn so với trước. Xem các hệ số, tỷ lệ phần trăm chia cho các đối tượng tham gia sáng tạo tác phẩm, có thể hy vọng chấm dứt tình trạng "đạo diễn ôm cả trăm triệu mà tác giả hay biên kịch chỉ được một phần ba, phần tư", như một tác giả kịch bản sân khấu từng kêu ca, nhưng có lẽ chưa thể đền đáp xứng đáng công sức lao động nghệ thuật của mọi tác giả, đặc biệt là với người sáng tạo ra tác phẩm lớn. Lao động sáng tạo nghệ thuật có sự cực nhọc mà không phải ai cũng nhìn thấy. Thời gian, trí lực và thể lực là những điều không thể đo đếm được. Với mỗi tác phẩm nghệ thuật đáng giá, thường thì người sáng tạo phải bỏ công đến cả năm trời. Nhiều họa sĩ nói họ vẽ cả năm chỉ được 3-4 bức nhưng đến quá nửa phải "dập" đi dù nguyên liệu bỏ vào đó không ít.
Chế độ mới khả quan hơn, mức chi trả có tăng nhưng chưa nhiều như kỳ vọng. Nghị định này, bởi vậy, có lẽ chỉ là một bước quan trọng trong hành trình hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tôn vinh xứng đáng đối với đội ngũ sáng tạo nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.