(HNM) - Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2012, qua công tác kiểm tra, các bộ, ngành, địa phương, cấp chức năng phát hiện 10.039 văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, trong đó có 1.394 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có dấu hiệu vi phạm về nội dung.
Muốn VBQPPL khi ban hành thực sự có chất lượng, bảo đảm tính khả thi thì không thể thiếu khâu đánh giá tác động pháp luật (ĐGTĐPL). Quy trình ĐGTĐPL gồm 6 bước: Xác định vấn đề bất cập; xác định mục tiêu của chính sách; xác định phương án giải quyết vấn đề; đánh giá tác động của phương án; tham vấn công chúng và lập báo cáo ĐGTĐPL VBQPPL. Trong đó, tham vấn công chúng được coi là một yếu tố quan trọng vì qua đó, các đối tượng liên quan sẽ có cơ hội tham gia cùng các cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng báo cáo ĐGTĐPL. Theo quy định, kết quả báo cáo đánh giá sơ bộ phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến công chúng.
Thực tế cho thấy, nhiều luật, nghị định (Luật Trọng tài, Luật Ban hành VBQPPL, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Đo lường, Luật Thủ đô, Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định Kiểm soát thủ tục hành chính…) được thực hiện khá cẩn thận các khâu ĐGTĐPL nên đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Theo các chuyên gia, để xác định được tính khả thi của văn bản cần tuân thủ những phương pháp nhất định, đòi hỏi tổ chức, cá nhân thực hiện phải tâm huyết, có kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội. Công đoạn khó khăn nhất, công phu nhất là thu thập dữ liệu, thông tin và để có dữ liệu đầy đủ thì không thể thiếu việc tham vấn công chúng. Thông tin thu thập được càng nhiều thì kết quả phân tích càng chính xác và sẽ cho thấy rõ mức độ khả thi hay không của VBQPPL.
Cụ thể, trong việc ĐGTĐPL với Luật Ban hành VBQPPL, nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 6 vấn đề quan trọng nhất cần phân tích và thu thập 269 đơn vị dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau tại các bộ, khối doanh nghiệp và kinh nghiệm quốc tế. Riêng với Luật Thủ đô, không tính được định lượng như nhiều luật khác nên Dự án Luật được phân tích và trình bày theo từng vấn đề, dựa trên các căn cứ khoa học và thực tiễn. Việc xác định tính khả thi của Dự án Luật Thủ đô được tính theo cách phân tích chi phí - lợi ích cho các phương án lựa chọn của 4 vấn đề cốt lõi đối với việc xây dựng và phát triển Thủ đô là: Nhập cư vào các quận nội thành Hà Nội; ô nhiễm môi trường; ách tắc giao thông và chính quyền Hà Nội còn thiếu công cụ pháp lý để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Sau khi hoàn thiện dự thảo, báo cáo đánh giá tác động của Luật Thủ đô được gửi lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố, 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan TƯ của các tổ chức chính trị xã hội.
Nhìn chung, khi thực hiện ĐGTĐPL đầy đủ và đúng quy trình, các VBQPPL ban hành đều không bị dư luận xã hội phản ứng. Hơn nữa, một quy trình thực hiện ĐGTĐPL có thể hỗ trợ đắc lực công tác xây dựng một VBQPPL của các cán bộ soạn thảo, đại biểu Quốc hội, đồng thời, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy, ĐGTĐPL là một yêu cầu bắt buộc, song trong quá trình áp dụng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân là do việc xác định các nhóm đối tượng chịu tác động không rõ, không đủ; thiếu minh bạch về quá trình tham vấn và tiếp thu, chỉnh lý ĐGTĐPL sau khi tham vấn cũng như thiếu cơ chế, trách nhiệm kiểm tra, giám sát thi hành. TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định: "Nguyên nhân khách quan có thể do đây là vấn đề mới nhưng nguyên nhân chủ quan là do chúng ta áp dụng việc ĐGTĐPL còn hình thức, đối phó. Do đó, nhiều văn bản ra đời chưa mang lại lợi ích cho xã hội, mà ngược lại còn gây ra gánh nặng hành chính và thêm chi phí cho đối tượng tuân thủ cũng như các cơ quan quản lý".
Kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) thực hiện gần đây cho biết, đã có 43% cán bộ của các cơ quan chính phủ và cán bộ nhiều bộ, ngành đã được tập huấn về cách thực hiện ĐGTĐPL. Tuy nhiên, thực tế không hiếm văn bản vừa ban hành đã phải hủy bỏ hoặc tạm dừng thi hành và kết quả công tác kiểm tra văn bản năm 2012 mà Bộ Tư pháp mới công bố rất đáng để suy nghĩ. Đã đến lúc cần coi ĐGTĐPL là quy trình không thể thiếu trong khi xây dựng VBQPPL để hạn chế tình trạng văn bản ban hành kém chất lượng và thiếu khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.