(HNMO) - Bộ phim “Về nhà đi con” đang tạo “cơn sốt” trên màn ảnh Việt Nam vào khung giờ vàng. Trước đó, nhiều bộ phim Việt cũng gây được sức hút, kéo khán giả ngồi trước màn hình, chờ giờ chiếu phim.
Phim tình cảm gia đình lên ngôi
Những năm gần đây, phim truyền hình Việt trên sóng giờ “vàng” đã tạo được sức hấp dẫn riêng, tạo nên “cơn sốt” cho khán giả. Trong số đó, phim về đề tài gia đình dễ được lòng người xem.
Các diễn viên trong phim “Về nhà đi con”. |
Hiện nay, bộ phim “Về nhà đi con” đang được xem là phim truyền hình “hot” nhất của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Dù được chiếu cùng thời điểm với phim “Mê cung”, “Nàng dâu order” nhưng “Về nhà đi con” gần như chiếm trọn thị phần khán giả xem. Độ “hot” của phim lan rộng từ cơ quan, công sở cho đến các khu chợ; từ các bà nội trợ cho đến giới công chức đều không ngớt bàn tán về bộ phim.
Trên mạng xã hội và các trang xem phim trực tuyến, bộ phim nhận được hàng ngàn bình luận và lời khen ngợi của người xem. Nhiều người cho rằng, “Về nhà đi con” xứng đáng lọt tốp những bộ phim đáng xem nhất trong 10 năm trở lại đây.
Lý giải độ “hot” của phim “Về nhà đi con”, biên kịch Nguyễn Thu Thủy cho rằng, phim không chỉ có sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội, nhiều kinh nghiệm như: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, các diễn viên quen thuộc như: Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Quốc Trường mà đây còn là bộ phim đầu tiên được làm với thời lượng 30 phút/tập. Điều này, phần nào khiến cho khán giả “thòm thèm” khi xem phim. Chưa kể, phim đề cập vấn đề gia đình với những mâu thuẫn, va chạm rất đời thường, khán giả dễ dàng thấy mình ở trong các nhân vật, để từ đó đồng cảm và yêu thích bộ phim.
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng cho rằng, anh từng rất áp lực khi thực hiện bộ phim có khung giờ chỉ 30 phút, lại phải thực hiện kiểu “cuốn chiếu”, vừa chiếu vừa làm. Thực hiện sao cho trong 30 phút ấy phải có tình tiết đắt để níu giữ khán giả là bài toán khó cho cả đoàn phim.
Không chỉ phim “Về nhà đi con” gây tiếng vang, được lòng phần lớn khán giả truyền hình cả nước, trước đó, VFC cũng giới thiệu hàng loạt phim truyền hình “bom tấn”, tạo sức sống mới cho kênh giải trí trên VTV như: “Gạo nếp gạo tẻ”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Tuổi thanh xuân”, “Cả một đời ân oán”… và hiện nay còn có phim “Nàng dâu order”. Có vẻ như đề tài tâm lý, tình cảm gia đình vẫn là kho tàng để các nhà làm phim khai thác, dễ được khán giả quan tâm.
Phim hình sự, xã hội - “món ngon nhớ lâu”
Phim hình sự, xã hội cũng là một trong những mảng đề tài nhận được sự yêu thích của khán giả truyền hình. Với lợi thế về kịch bản thường có nhiều nút thắt, câu chuyện đấu tranh phòng chống tội phạm, chống lại cái xấu với những tình tiết ly kỳ thường tạo nên những chuyển biến, gây tò mò, kích thích người xem.
Sau hàng loạt phim “Chạy án”, “Kẻ giấu mặt”, “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”, “Người phán xử”… từng tạo cơn “sốt” trên truyền hình Việt, năm nay VFC tiếp tục sản xuất phim “Mê cung” nằm trong series “Cảnh sát hình sự”. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên được khán giả yêu thích như: NSƯT Công Lý, NSƯT Hoàng Hải, NSƯT Hương Dung, diễn viên Hồng Đăng, Việt Anh, Đỗ Duy Nam… và sự trở lại màn ảnh của Hoàng Thùy Linh.
Bộ phim “Mê cung”. |
Nói về những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện những bộ phim hình sự, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết, series phim “Cảnh sát hình sự” từ lâu vẫn là “món ngon” trên truyền hình. Tuy nhiên, cái khó của việc thực hiện series phim này là sự đầu tư kỹ về kịch bản để tạo sự hồi hộp, khó đoán cho khán giả. Chưa kể, dòng phim này đòi hỏi kinh phí lớn, kỹ xảo và kỹ thuật làm phim công phu cũng như diễn viên phải có sự sáng tạo trong diễn xuất.
Hiện nay, bộ phim “Mê cung” đang chiếu trên VTV3 của đạo diễn Khải Anh đang đứng trước thách thức đó. Sau 2 năm ấp ủ, đoàn làm phim quyết định không sử dụng diễn viên đóng thế, diễn viên phải thực hiện những cảnh đánh nhau, rượt đuổi để mang lại cảm xúc thật cho người xem. Dù vậy, “Mê cung” cũng chưa hoàn toàn chinh phục được khán giả. So với “Người phán xử” từng “làm mưa làm gió” vào năm 2018 thì “Mê cung” đến giờ có phần “lép vế” hơn.
Thời điểm này, VTV đã có những điều chỉnh về khung “giờ vàng phim Việt” với hy vọng tạo sự khác lạ, hấp dẫn mới cho khán giả. Cụ thể, VTV1 vẫn được ưu tiên khung giờ từ 20h - 21h từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, nhưng thời lượng phim sẽ gói gọn 30 phút mỗi tập, thay vì 45 phút như trước đây. Thực tế cho thấy, khán giả dường như không hài lòng với sự đổi mới này.
Không ít khán giả than vãn rằng, thời lượng 30 phút (tính cả thời gian quảng cáo) là quá ngắn, thời lượng này chỉ thích hợp với thể loại hài tình huống sitcom, còn với những bộ phim thuộc thể loại chính luận hoặc dòng phim tâm lý xã hội, tâm lý gia đình thì hoàn toàn không hợp lý. Chưa kể, thời lượng quảng cáo lớn đan xen trong phim phần nào giảm đi sự hài lòng của người xem.
Thời gian tới, dự kiến, VTV sẽ chiếu những bộ phim như: “Những nhân viên gương mẫu”, “Lối rẽ trái muộn màng”, “Bán chồng”, “Ai rồi cũng già”, “Gà trống ba con”... Hiện nay, phim truyền hình nội gặp không ít khó khăn khi không phải lúc nào cũng có kịch bản hay. VTVT đang cố gắng dung hòa những bộ phim truyền hình “made in Vietnam” với những bộ phim "remake" từ kịch bản nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.