(HNM) - Đúng ngày này 46 năm trước (30-4-1975), biên niên sử đấu tranh giải phóng các dân tộc trên thế giới đã ghi nhận thêm một mốc son rạng ngời. Đó là sự kiện Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối. Nhiều học giả quốc tế nhận định, suốt gần nửa thế kỷ qua, các giá trị của ngày chiến thắng 30-4 vẫn luôn được thể hiện và phát huy trên mọi mặt đời sống của Việt Nam, đưa đất nước từ tro tàn chiến tranh vươn lên thành một "con rồng" châu Á tiềm năng.
Những bước tiến dài
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga), Chiến thắng ngày 30-4-1975 của nhân dân Việt Nam là một chiến thắng lịch sử với đầy đủ ý nghĩa của từ này, bởi vì đó là một cuộc đấu tranh kéo dài vì tự do, độc lập dân tộc trước đối thủ rất mạnh. Việt Nam không chỉ giành chiến thắng, thống nhất đất nước mà sau đó bắt tay xây dựng, hội nhập thành công và đạt được uy tín cao trên trường quốc tế.
Giáo sư sử học người Nga nêu bật thành tựu của Việt Nam trong chương trình cải cách kinh tế với tên gọi “Đổi mới”. Ông nhấn mạnh, cách tiếp cận về cải cách của Việt Nam ít gây sốc cho nền kinh tế và tỏ ra hiệu quả hơn, cho phép nhanh chóng nâng cao mức sống của người dân và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Ngày nay, Việt Nam được các nhà kinh tế thế giới coi là “một con rồng châu Á tiềm năng”. Việt Nam tiếp tục có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trong khi vẫn duy trì các ưu tiên chính sách của mình.
Bài viết đăng trên trang strifeblog.org (Anh) nhấn mạnh, Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ với công cuộc Đổi mới triển khai từ năm 1986, chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những cải cách này nhanh chóng thúc đẩy nền kinh tế và thu hút các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Nếu trước đây, Việt Nam phải nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước thì đến năm 1989 đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.
Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với những đóng góp tích cực được cả thế giới ghi nhận. Năm 2019, Việt Nam đóng vai trò trung gian trong ngoại giao toàn cầu với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và khống chế rất thành công đại dịch Covid-19.
Bài viết kết luận, Việt Namđang ngày càng vươn lên như một cường quốc tầm trung trong khu vực, hội nhập tốt vào nền kinh tế thế giới và là một trong số ít những quốc gia có thể tự xây dựng công nghệ 5G. Việt Nam đã tiến những bước dài để trở thành một điểm đến đầy tiềm năng.
Ngày càng tỏa sáng
Nhận định về sự phát triển của Việt Nam sau 46 năm thống nhất, ông Steve Rutchinski, đại diện Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam (CVFS) khẳng định, Việt Nam cho thấy ngay cả một nước nhỏ cũng có thể phát triển mạnh, giữ vững chủ quyền, độc lập và những giá trị quốc gia. Chỉ mới có 35 trường hợp tử vong do Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Nền kinh tế Việt Nam ngay cả trong thời kỳ đại dịch vẫn tăng 2,91% - một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới tại thời điểm đó. Nền dân chủ của Việt Nam được thể hiện khi thu hút nhân dân cả nước tham gia đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng - vạch ra lộ trình để đưa cách mạng khoa học - công nghệ phục vụ một tương lai tươi sáng.
Giới học giả Canada nhận định, tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã một lần nữa được dân tộc Việt Nam thể hiện trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, chống đói nghèo, biến đổi khí hậu, để vươn lên hùng cường, giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo Handelsblatt của Đức cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia thành công nhất về kinh tế ở châu Á cũng như kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Những năm qua, Việt Nam đã tự xác lập như một bộ phận cấu thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước đây, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là giày dép, dệt may, nhưng ngày nay là điện thoại thông minh và máy tính. Việt Nam coi toàn cầu hóa như một cơ hội, đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), là một trong những quốc gia sáng lập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng 2,91% trong năm 2020. Việt Nam kỳ vọng tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7% từ nay đến năm 2025 và trong 25 năm tới sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.