Trong dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, bạn bè quốc tế đã có những đánh giá hết sức tích cực về những thành tựu toàn diện mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Đây là tiền đề quan trọng, tái khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác, tiếp tục đồng hành với các nước, tổ chức quốc tế trên những chặng đường mới của tiến trình phát triển đất nước.
Về kinh tế, quốc tế bày tỏ ấn tượng trước tốc độ phát triển ngoạn mục của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận, kể từ năm 1986 tới nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng gấp 50 lần, đạt 406,45 tỷ USD. Báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường Fitch đánh giá cao khi năm 2022, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai trong chỉ số phục hồi hậu Covid-19 của Nikkei và đứng thứ năm trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế. Theo Tổng Giám đốc
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, sự phát triển liên tục của Việt Nam trong hơn một thập kỷ rưỡi kể từ khi trở thành thành viên WTO là hình mẫu về thành công trong hội nhập quốc tế và tấm gương cho các nước đang phát triển.
Các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam phát triển kinh tế luôn gắn liền với cải thiện đời sống người dân. Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) chỉ ra, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam đã đạt 14.569 USD vào năm 2022, vượt xa mốc 1.595 USD hồi năm 2000. Cũng theo truyền thông quốc tế, Việt Nam đang chi khoảng 6% GDP hằng năm cho cải thiện hạ tầng, cao hơn nhiều so với trung bình 2,3% trong khu vực.
Trong khi đó, báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số, với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%. Đây là mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.
Cùng với những điểm sáng về kinh tế, Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào đời sống chính trị và quan hệ quốc tế. Việt Nam đã và đang đảm nhiệm cương vị thành viên một số cơ quan của tổ chức quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021); thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (hai nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025); thành viên Hội đồng chấp hành Tổ chức Y tế thế giới - WHO (nhiệm kỳ 2016-2019)...
Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam luôn thể hiện được vai trò và đóng góp tích cực. “Đối với hòa bình và an ninh khu vực, chúng tôi cần sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên và Việt Nam luôn là quốc gia thực hiện rất tốt điều này” - Tổng Thư ký ASEAN Kim Kao Hourn nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Thư ký ASEAN, với dân số đông, nền kinh tế phát triển nhanh và nhiều thỏa thuận kinh tế song phương với các nước trên thế giới, Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào bức tranh kinh tế chung của ASEAN, đồng thời để lại những dấu ấn với 3 lần giữ vai trò Chủ tịch ASEAN đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Với các mối quan hệ song phương, Việt Nam luôn thể hiện là một người bạn, một đối tác đáng tin cậy và nhiều tiềm năng. Trước thềm Quốc khánh lần thứ 78 của Việt Nam, theo Báo Nhân Dân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea đã có phát biểu tại thủ đô Phnom Penh, ca ngợi sự hy sinh và quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tái thiết đất nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước đó, tại buổi lễ tiếp nhận thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ Đại sứ Việt Nam Nguyễn Tất Thành, Toàn quyền Papua New Guinea Bob Dadae khẳng định, Papua New Guinea đánh giá cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên trường quốc tế…
Có thể nói, trong những năm gần đây, Việt Nam đã khẳng định được vị thế, trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đúng với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác đối ngoại triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ kiên trì đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, đồng thời tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương. Đây cũng chính là hướng đi đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu bật tại Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2-9 vào tối 31-8 vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.