Kinh tế

Bạn bè quốc tế ấn tượng về thành tựu phát triển của Việt Nam: Nền móng vững chắc, tương lai thịnh vượng

Thùy Dương 02/09/2024 - 07:20

Kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024) cũng là lúc để mỗi người nhìn lại tiến trình phát triển của đất nước.

kt.jpg
Thị trường Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Savills

Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một nền kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh, có vị thế cao trên trường quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Bạn bè quốc tế bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển của Việt Nam với vai trò một quốc gia mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Việt Nam là một câu chuyện thành công về sự phát triển. Các cải cách kinh tế kể từ công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ là 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD vào năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới, tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,9%...

Nền kinh tế Việt Nam đã chứng minh khả năng phục hồi qua nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau. Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,5% trong năm 2024, từ mức 5% ở năm 2023, bởi nhu cầu toàn cầu tăng và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được phục hồi. Tăng trưởng GDP thực tế dự kiến sẽ mạnh lên trong 3 năm tới. Điểm lại những thành tựu trong các lĩnh vực an sinh xã hội, WB cho rằng, Việt Nam đã nỗ lực hơn trong các khát vọng phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo trang Vietnam Briefing (tạp chí có trụ sở tại Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN, chuyên về lĩnh vực tư vấn đầu tư), những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 38,6%, với tổng cộng hơn 4,29 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Các dự án mới được đăng ký tăng 55,5%, cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ của nhà đầu tư với nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý, các công ty Trung Quốc đang thúc đẩy đáng kể các khoản đầu tư, tập trung vào việc mở rộng hoạt động hoặc chuyển sản xuất sang Việt Nam. Xu hướng này đặc biệt rõ ràng trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử và ô tô...

Vietnam Briefing phân tích, vị trí trung tâm của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và là cửa ngõ vào thị trường khu vực rộng lớn với hơn 650 triệu dân. Giáp với các nền kinh tế Trung Quốc, Lào và Campuchia, Việt Nam cung cấp quyền tiếp cận liền mạch vào thị trường rộng lớn này, khiến nơi đây trở thành trung tâm hấp dẫn cho thương mại và đầu tư. Ngoài ra, bờ biển dài và các cảng nước sâu của Việt Nam đã củng cố vị thế là một trung tâm hàng hải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa hiệu quả.

Việt Nam tự hào có dân số trẻ đang tăng lên với hệ thống giáo dục vững mạnh, chuyển thành nguồn lao động có tay nghề và mức lương cạnh tranh. Trọng tâm của Việt Nam là đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng, bảo đảm rằng lực lượng lao động tương lai được trang bị các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Thị trường lao động cạnh tranh về chi phí cũng là một sức hút đáng kể đối với các công ty nước ngoài muốn tối ưu hóa hoạt động của họ tại Đông Nam Á.

Đạt được những thành tựu trên, không thể không nhắc đến chính sách đối ngoại linh hoạt của Việt Nam, nổi bật với trường phái “ngoại giao cây tre”. Trên Báo Sự thật (Pravda) của Liên bang Nga có bài viết với nhan đề “Ngoại giao cây tre của Hà Nội”, trong đó khẳng định, giá trị của đường lối đối ngoại này giúp Việt Nam có mối quan hệ sâu rộng và có uy tín cũng như sự tin cậy trên trường quốc tế.

Bài báo phân tích, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, chưa một quốc gia nào trên thế giới công nhận điều này, hay thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sau 79 năm, ngày nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, 7 nước trong số đó là cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Chiến lược “ngoại giao cây tre” đã giúp Việt Nam bảo vệ độc lập, tự chủ, đồng thời đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế, từ đó thu hút đầu tư và hợp tác kinh tế, mang lại nhiều thành tựu cho nền kinh tế Việt Nam. Những thành tựu này đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho Việt Nam trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạn bè quốc tế ấn tượng về thành tựu phát triển của Việt Nam: Nền móng vững chắc, tương lai thịnh vượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.