(HNM) - Chiến tranh, cách mạng là mảng đề tài đã đồng hành với nền điện ảnh cách mạng nước ta. Ngay từ buổi ban đầu là
Sự trở lại ấn tượng
Không phải bây giờ chúng ta mới làm phim về hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhưng với một "độ lùi" nhất định - khoảng thời gian trống vắng tác phẩm đề tài chiến tranh, cách mạng, các văn nghệ sĩ có thêm cái nhìn mới về câu chuyện này. Trong quãng 20 năm trở lại, đặc biệt là giai đoạn gần đây, tác phẩm điện ảnh chiến tranh, cách mạng đã trở lại ngày một nhiều hơn, đó được coi là tín hiệu mang lại hy vọng.
“Cánh đồng hoang” là tác phẩm điện ảnh nổi tiếng về đề tài chiến tranh. |
Bầu không khí thời đại là yếu tố tác động tới các nhà điện ảnh trong sự lựa chọn, thực hiện những bộ phim truyện về đề tài chiến tranh, cách mạng. Trong đó, phải kể tới tác động mang tính thúc đẩy của Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-6-2011 phê duyệt "Đề án khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975". Những yếu tố quan trọng nói trên đã giúp cho điện ảnh về đề tài chiến tranh, cách mạng có sự khởi sắc trong thời gian gần đây, như người ta nói là "đã có sự quay trở lại khá ấn tượng".
Nhìn lại tác phẩm điện ảnh về đề tài này trong thời gian qua, không thể không nhắc tới "Đời cát" (1998), "Hà Nội 12 ngày đêm" (2002), "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" (2003), "Đường thư" (2005), "Giải phóng Sài Gòn" (2005), "Đừng đốt" (2009), "Nhìn ra biển cả" (2010), "Vượt qua bến Thượng Hải" (2010), "Mùi cỏ cháy" (2012), "Những người viết huyền thoại" (2013)… Có thể thấy rõ đề tài chiến tranh đã được nhìn sâu hơn, cả từ góc độ thân phận con người. Không chỉ nói về người ra trận, mà ở đó còn có bóng dáng người ở hậu phương; không chỉ là tổn thương về thể xác, mà còn là hao tổn tinh thần; cũng không chỉ là mất mát của riêng người lính bảo vệ Tổ quốc, mà còn là bi kịch đối với phía xâm lăng… Hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong điện ảnh hiện diện gần gũi hơn, với những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Phim chiến tranh, cách mạng của Việt Nam trong thế kỷ XXI đã nối lại được mạch nguồn nhân văn từ buổi sơ khai của điện ảnh cách mạng. Xu thế lấy chiến tranh làm nền nhằm làm nổi bật phẩm cách của một dân tộc khá rõ nét, tạo ấn tượng với khán giả trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, ngoài lớp đạo diễn gạo cội như Đặng Nhật Minh, Bùi Đình Hạc, công chúng đã thấy những gương mặt đạo diễn phim chiến tranh kế cận, thuộc thế hệ 7X như Bùi Tuấn Dũng…
Một cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”. |
Xu thế nói trên ít nhiều đã tạo thành công nhất định, quan trọng nhất là hâm nóng sự chú ý của khán giả. Như ngày 26-4 vừa qua, khi VTV1 phát sóng "Đừng đốt", phim kéo dài đến 12h đêm nhưng nhiều người vẫn theo dõi với sự xúc động sâu sắc.
Thách thức ở phía trước
Tuy nhiên, "còn nợ đất nước, nợ nhân dân những bộ phim hay" là tâm trạng chung của nhiều nghệ sĩ điện ảnh khi đứng trước hiện thực to lớn từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Thách thức rất lớn, bởi làm phim về đề tài chiến tranh, cách mạng có trăm cái khó. Ngoài việc tư liệu, bối cảnh… ngày một lùi xa, mất mát theo thời gian thì đòi hỏi về kinh phí, sự đổi mới về cách kể cũng là một thách thức không nhỏ. Như đã thấy với "Sống cùng lịch sử" - bộ phim mới nhất về đề tài này, được chọn chiếu mở màn trong lễ khai mạc Đợt phim kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội vào tối 25-4 vừa qua. Với thủ pháp đồng hiện, nhà làm phim tạo một lối tiếp cận mới về chiến tranh, thông qua câu chuyện về một nhóm bạn trẻ đi "phượt". Phim có nhiều chi tiết cảm động, đặc biệt là về Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và thời điểm Đại tướng ra đi trong dòng người đưa tiễn từ khắp mọi miền đất nước. "Sống cùng lịch sử", thậm chí, đã chạm tới nỗi mất mát, thương tổn về tinh thần của cả hai phía do cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp gây ra. Tuy nhiên, khán giả khó tính chưa hẳn hài lòng với sự ôm đồm và có phần dàn trải trong cách kể của phim.
Nguồn kinh phí để thực hiện dự án phim chiến tranh cũng là cả một vấn đề. Nhiều phim phải chờ đợi hàng năm trời mới có thể đưa vào sản xuất, như "Nhà tiên tri" của Hãng Phim truyện Việt Nam, tái hiện thời kỳ Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp; như "Thầu Chín ở Xiêm" của Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam - phản ánh một giai đoạn hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi ở Thái Lan; như "Những người con của làng" của Hãng phim Nam Phương với thông điệp hóa giải hận thù, xây cây cầu hòa hợp trong thời hậu chiến. Ngoài ra, có thể kể đến phim truyền hình nhiều tập "Cao hơn bầu trời" - tái hiện những năm tháng không thể nào quên của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", khởi động từ năm 2013 mà nay vẫn chưa thể hoàn thành. Hội Điện ảnh Hà Nội chuẩn bị dự án làm phim truyện nhựa "Người mẹ Hà Nội" từ 2 năm nay, song hiện tại, "tất cả vẫn đang ở phía trước".
Với Quyết định số 844 của Chính phủ, cơ hội để phim truyện về đề tài chiến tranh, cách mạng chinh phục khán giả đã rộng mở hơn, nhưng cùng với đó sẽ là sự đòi hỏi cao hơn về chất lượng nghệ thuật từ phía khán giả. Tất cả điều đó đòi hỏi tài năng và sự tâm huyết của các nhà làm điện ảnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.