Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều việc phải làm

Minh Ngọc| 30/09/2015 06:00

(HNM) - Sau nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng, ca trù, quan họ…, hát then đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu lập hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Tại hội thảo quốc tế về "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam trong xã hội đương đại" do Bộ VH,TT&DL phối hợp với các địa phương tổ chức vừa diễn ra, một lần nữa các nhà nghiên cứu khẳng định, hát then là một trong những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, hấp dẫn, phản ánh cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái; đồng thời đề xuất một số phương hướng, giải pháp bảo tồn hát then trong xã hội đương đại để có thể đưa di sản này ra thế giới.

Hát then trên hồ Nà Lừa (Tuyên Quang).



Ông Nguyễn Bình Định (Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia) nhận định, hát then vừa là một loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, vừa là loại hình âm nhạc dân gian mà nội dung của nó phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Thông qua những câu chuyện, những sự vật, sự việc được nhắc đến ở các nghi lễ then nói về tình yêu, ma chay, cưới hỏi, cầu may mắn, cầu tự, chữa bệnh, cầu phúc, cầu thọ, cầu an…, chúng ta có thể nhận ra đó chính là những mảnh ghép của cuộc sống đã được văn học hóa, thi vị hóa, âm nhạc hóa.

Ban đầu, nghi lễ hát then không phải để phục vụ giải trí, thưởng thức nghệ thuật, mà để cầu khấn thần linh, trời đất. Sau này, vì yêu thích âm nhạc then mà người ta đã sử dụng một số làn điệu phổ biến rồi đưa những lời ca, những nội dung mới vào để mọi người trong cộng đồng có thể hát ở mọi lúc, mọi nơi và nghệ thuật hát then - đàn tính (một loại hình văn nghệ quần chúng) ra đời. Bởi thế, âm nhạc hát then đã vượt ra khỏi nghi lễ then do các thầy then tiến hành, trở thành loại hình âm nhạc biểu diễn được nhiều người yêu thích, trong đó có giới trẻ. "Giá trị đáng quý nhất của then là đã tích hợp nhiều loại hình di sản khác nhau, từ ngôn ngữ, văn học, thơ ca cổ, cho đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, y phục, nghệ thuật trình diễn âm nhạc và múa dân gian, cho nên di sản văn hóa này rất cần được tôn vinh, bảo vệ", ông Nguyễn Bình Định nhấn mạnh.

Trong xu thế giao lưu và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, then cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác đang đứng trước nguy cơ mai một. Cụ thể, theo thống kê của tỉnh Bắc Giang, tỉnh này hiện chỉ còn 31 nghệ nhân gắn bó với hát then, 52 người biết hát then sinh hoạt tại các CLB, số người am hiểu về then không nhiều, thế hệ trẻ hầu như không biết về loại hình văn nghệ này. Tương tự, tỉnh Lào Cai chỉ còn gần 20 nghệ nhân thường xuyên thực hành nghi lễ then, hoạt động trao truyền diễn ra tự phát. Từ khi nghệ nhân Hoàng Thị Cứ, dân tộc Tày ở thôn Hạ, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên) mất đi, lớp học hát then sôi động ở Vĩnh Yên không còn nữa. Tại Cao Bằng, nơi cộng đồng dân tộc Tày, Nùng chiếm hơn 70% dân số cũng rất hiếm "báu vật nhân văn" then…

Trên thực tế, các tỉnh có hát then đã và đang nỗ lực "cứu" di sản. Ông Thân Quang Huy (Sở VH,TT&DL Bắc Giang) cho hay: "Tỉnh Bắc Giang đã chọn những xã có bà con dân tộc Tày, Nùng sinh sống để thành lập đội văn nghệ quần chúng, đồng thời mở các lớp truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ; đã phối hợp với một số trường học đưa then vào giảng dạy; từng bước quan tâm đến các nghệ nhân… Mặc dù vậy, di sản vẫn chưa thể hồi sinh mạnh mẽ, đòi hỏi phải có chính sách quan tâm sâu sắc hơn, đồng bộ hơn từ cấp vĩ mô. Ví dụ như kinh phí đầu tư cho các CLB hoạt động, chính sách đãi ngộ nghệ nhân; tổ chức các liên hoan hát then - đàn tính…".

Đồng tình với những kiến nghị này, song bà Nhung (giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Việt Bắc) cho rằng, việc cải biên, nâng cao và đặt lời mới dựa trên chất liệu dân gian và không gian diễn xướng của then cũng là một trong những cách để bảo tồn, phát huy giá trị của then. Bằng chứng là những tác phẩm như: "Trăng soi đường Bác" của nhạc sĩ Hoa Cương dựa trên làn điệu then miền Đông tỉnh Cao Bằng, "Then tò mạy" của nghệ sĩ Thủy Tiên dựa trên làn điệu tò mạy của vùng Tràng Định (Lạng Sơn), "Lập Xuân" của Nông Viết Toại dựa trên làn điệu then Bắc Kạn, "Lên xứ Lạng" của Đinh Thìn được xây dựng trên giai điệu then "Pước vong" (Văn Quan, Lạng Sơn)… được cộng đồng yêu thích và biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ, qua đó loại hình nghệ thuật này được công chúng biết đến nhiều hơn.

Nhìn thấy then có nhiều nét tương đồng với loại hình âm nhạc truyền thống Li-ke Jaad Tai của người Tai Yai ở Bang Shan (Myanmar), ông Bussakorn Binson đến từ Thái Lan cho biết, Li-ke Jaad Tai của người Tai Yai vốn được phát triển từ thể loại Zat Pwe của người Miến Điện, nhưng nó có sự thay đổi và thích ứng với văn hóa địa phương. "Trước đây, số người biết trình diễn Li-ke Jaad Tai không nhiều nên di sản này đã từng đứng trước nguy cơ mai một. Sau đó, các nhà nghiên cứu nhận ra sức sống của nghệ thuật Li-ke Jaad Tai phụ thuộc chính vào khán giả và họ đã cùng với cộng đồng "cải tiến" theo sở thích của khán giả trên nền tảng truyền thống. Đó là việc thêm các nhạc cụ phương Tây vào trình diễn, cốt truyện được hiện đại hóa và các ca sĩ quen thuộc hát những bài hát yêu thích của người Tai Yai… Bằng cách này, nghệ thuật Li-ke Jaad Tai "sống" được và tín ngưỡng của cộng đồng Tai Yai không thay đổi", ông Bussakorn Binson nhấn mạnh.

Từ những ý kiến góp ý nói trên có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản then trong đời sống đương đại còn nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.