(HNM) - Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 33.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng số DN thực hiện ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp rất ít dù việc này mang lại giá trị lớn, làm gia tăng năng suất, chất lượng cho nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Kiểm tra, đánh giá khả năng chịu hạn của cây ngô tại Viện Nghiên cứu ngô. Ảnh: Bá Hoạt |
Trong số 16 DN trên cả nước được Bộ NN&PTNT công nhận là DN nông nghiệp CNC, tỉnh Lâm Đồng có 4 DN (chiếm 25%). Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, diện tích nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh có gần 40.000ha, chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp, doanh thu bình quân đạt 130 triệu đồng/ha/năm (tương đương 6.500 USD/ha). Nhiều diện tích cây trồng ứng dụng CNC đạt 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Hiện nay, hàng loạt công nghệ tiên tiến trên thế giới đã được chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả cao như: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thủy canh... Lâm Đồng cũng là nơi đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất trứng cá tầm thương phẩm và thực hiện ấp nở trứng giống thành công đầu tiên ở Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đạt được kết quả cao trong ứng dụng khoa học và CNC vào sản xuất như Lâm Đồng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay mới chỉ có 11 mô hình được công nhận là mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Hà Nội là một trong những địa phương có lĩnh vực nông nghiệp rộng lớn song mới tự cung cấp được 60% sản phẩm nông nghiệp, 40% còn lại phải nhập từ các tỉnh; việc ứng dụng khoa học, CNC vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Vũ Văn Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội (một trong những DN đi đầu trong ứng dụng nông nghiệp CNC ở Hà Nội) kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách quy hoạch về đất đai, tạo những vùng chăn nuôi tập trung đủ lớn để thuận lợi trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất. Cụ thể, với việc ứng dụng CNC trong việc lai tạo giống bò thịt BBB của công ty, để triển khai và tiếp tục phát triển giống bò F1 BBB, đề nghị thành phố cho phép công ty được nghiên cứu, xây dựng chương trình tiêu thụ sản phẩm bê lai F1 BBB theo chuỗi giá trị có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước như: Trồng, chế biến cây thức ăn xanh - chăn nuôi - thu mua - giết mổ bán công nghiệp - kênh tiêu thụ sản phẩm (nhà hàng, siêu thị, cửa hàng điểm...) đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đề nghị cho phép công ty được nghiên cứu, lập dự án về xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm bê F1 BBB trên địa bàn thành phố bằng cách xây dựng các trang trại chăn nuôi bò thịt vỗ béo, quy mô từ 20 con trở lên, nhằm mục đích vừa là kênh tiêu thụ bê F1 BBB sau cai sữa cho hộ nông dân.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị cho quá trình hội nhập, rất cần ứng dụng KHKT và CNC vào sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian vừa qua, việc khuyến khích DN ứng dụng nông nghiệp CNC đã được thể hiện ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Cụ thể, DN nông nghiệp ứng dụng CNC được hưởng các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu... Tuy vậy, chính sách đi vào thực tiễn còn nhiều khó khăn, việc thực thi còn rất hạn chế. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT), nguyên nhân do: Việc tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho các địa phương, DN, tổ chức, cá nhân về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 còn chậm, chưa kịp thời; chưa xây dựng được các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; chưa có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ đầu tư xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Chưa kể, so với các nước tiên tiến trong khu vực Châu Á và thế giới thì trình độ công nghệ áp dụng trong nông nghiệp ở nước ta còn thấp và chưa có hệ thống. Chúng ta chưa tạo ra được các công nghệ mới tiên tiến phù hợp, đồng bộ; một số công nghệ cao nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và mức độ đầu tư của Việt Nam… là những vấn đề cần được tháo gỡ kịp thời.
Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng: Lâm Đồng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này từ rất sớm (từ năm 2004). Tỉnh đã chọn đầu tư chiều sâu trong công tác chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao là một trong những khâu đột phá để thực hiện nông nghiệp ứng dụng CNC. Bên cạnh đó là chú trọng đến công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thương hiệu; quy trình canh tác, phòng chống dịch bệnh, quản lý sau thu hoạch tập trung cho các đối tượng rau, hoa, cà phê, chè, chăn nuôi. Đồng thời, giúp nông dân tăng cường kết nối giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học và các DN ngày càng chặt chẽ hơn…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong chăn nuôi, Hà Nội đã xác định cần đầu tư vào phát triển giống bò thịt và bò sữa do chăn nuôi của thành phố mới đạt khoảng 8% so với nhu cầu. Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất với thành phố có chính sách hỗ trợ cho các DN về nhập ứng dụng phối giống bò, tạo năng suất cao, tăng đàn bò sữa. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất thức ăn, giúp người dân trong ứng dụng CNC. Thành phố cũng đã có quỹ đất dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi cho DN, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, đào tạo nhân lực, tập huấn cho nông dân…, trong đó DN phải là đầu tàu trong ứng dụng CNC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.