(HNM) - Trong năm 2017, các ngành chức năng của TP Hà Nội đã tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản trên địa bàn, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết, nhận diện sản phẩm nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Cơ quan chức năng TP Hà Nội kiểm tra chất lượng nông sản tại một cơ sở kinh doanh. |
Nỗ lực tạo niềm tin
Qua rà soát của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 18.031 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản có đăng ký kinh doanh; ngoài ra còn có 210.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản nhỏ lẻ. Trong đó, cấp thành phố quản lý 1.230 cơ sở (đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 1.702 lượt cơ sở); cấp huyện quản lý 16.801 cơ sở (6.504 cơ sở đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh); cấp xã quản lý 210.500 cơ sở nhỏ lẻ...
Để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ cơ sở và tuyên truyền tới cộng đồng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã tổ chức khoảng 500 hội nghị, hội thảo, tập huấn kiến thức, pháp luật về: An toàn thực phẩm; chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; quy trình giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh thú y; kỹ thuật canh tác, thực hành an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau an toàn; quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng; quy định của Nhà nước về kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...
Đánh giá công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở về quản lý giết mổ, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số điểm bán nông sản (rau, thịt) an toàn được kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc bằng mã Qrcode, có chỉ dẫn địa lý tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, ngoài ra cơ quan chức năng còn kiểm tra đột xuất các nhóm sản phẩm, khâu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm.
Qua đó, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm gây mất an toàn thực phẩm, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Số lượng cơ sở giết mổ có kiểm soát tăng lên so với năm 2016 là 40 cơ sở; số điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đã giảm đáng kể; tỷ lệ sản phẩm gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y tăng từ 48% năm 2016 lên 54,4% năm 2017.
Siết chặt quản lý
Hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã được phân cấp và triển khai, tuy nhiên việc thực hiện ở cấp huyện còn chậm và chưa thật sự quyết liệt. Từ ngày 1-7-2016, Luật Thú y có hiệu lực, bãi bỏ kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh, vì vậy việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động, số lượng cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, SSOP, HACCP còn ít cũng gây khó khăn cho công tác kiểm soát an toàn thực phẩm.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết: Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện nhiều nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, trong khi đó cán bộ ở cơ sở vừa thiếu và yếu. Kinh phí dành cho kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thiếu, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.
Để từng bước siết chặt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, chất bảo quản, phụ gia... và bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện quy hoạch nhằm giảm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, tăng số lượng cơ sở giết mổ tập trung.
Cùng với đó, rà soát, bổ sung quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường lấy mẫu kiểm định giám sát chất lượng nông sản về số lượng mẫu và chất lượng kiểm nghiệm; thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi để truy xuất nguồn gốc xuất xứ; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm chất lượng, an toàn, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, nên mua những sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận, bảo đảm an toàn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.