(HNM) - Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII)
Điểm lại mười năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ, Nghị quyết 11 lần này đã ghi nhận nhiều cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, đồng thời, cũng xác định phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nhằm vừa là để khắc phục những hạn chế, yếu kém, vừa là tiếp tục nhân lên những thành quả đã đạt được. Song, một câu hỏi đặt ra là thực hiện Nghị quyết 11 nên bắt đầu từ đâu? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi nghĩ rằng, trước hết, cần xác định những thuận lợi cơ bản, những khó khăn chủ yếu và nhân tố có ý nghĩa quyết định là gì ?
Lớp quản lý hành chính Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ảnh: Nhật Nam
1. Phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 11, Hà Nội có những thuận lợi lớn, cơ bản là: có thành tựu và kinh nghiệm của hơn một phần tư thế kỷ đổi mới; có điều kiện chủ động, sáng tạo vận dụng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; có vị thế Thủ đô là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và đầu mối giao dịch quốc tế; Hà Nội nghìn năm văn hiến là nguồn lực tinh thần vô giá trong đời sống hiện tại ở Thủ đô, là mảnh đất quy tụ, tích tụ tinh hoa của dân tộc và thời đại để lan tỏa trên phạm vi toàn quốc.
Một vị thế có lợi thế mà không địa phương nào trong nước có được, nhưng cũng lại là một thách thức để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải vươn lên để xây dựng, phát triển thành phố này sao cho xứng tầm vị thế Thủ đô.
Những hạn chế, yếu kém của Hà Nội mà Nghị quyết 11 đã chỉ ra: Kinh tế phát triển chưa toàn diện, sức cạnh tranh thấp; các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt; kinh tế tri thức chưa thể hiện rõ nét trong các ngành kinh tế chủ lực; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn còn lạc hậu, chưa đồng bộ. Nhiều vấn đề tồn tại trong quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, xử lý úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tăng dân số cơ học… chậm được khắc phục, gây nhiều bức xúc cho nhân dân; kết quả phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu của Thủ đô ngàn năm văn hiến; khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chưa đồng bộ; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Không ít những hạn chế nêu trên không thể khắc phục một sớm một chiều, nhưng khắc phục những hạn chế đó lại là mục tiêu phải đạt vào dịp Hà Nội phải về trước cả nước từ 1-2 năm trong sự nghiệp đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trên có những nguyên nhân khách quan nảy sinh trong mối quan hệ phối hợp, cộng tác, hỗ trợ giữa các bộ, ban, ngành Trung ương với Thủ đô. Nhiều vấn đề đặc thù của Thủ đô phải chờ có cơ chế, chính sách của Nhà nước mới thực hiện được. Song, nguyên nhân chủ quan luôn có vị trí quan trọng của nó. "Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết (15) của thành phố trên một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu năng động, quyết liệt, thậm chí có mặt còn trì trệ" (xem Nghị quyết 11). "Năng động", "quyết liệt" là các phạm trù thuộc trí tuệ và bản lĩnh của con người. Đối với công việc của thành phố, các phạm trù ấy phải được biểu hiện đồng bộ trong cả hệ thống lãnh đạo - quản lý các cấp. Xem ra, cốt lõi của vấn đề nằm ở yếu tố con người lãnh đạo - quản lý. Xác định được nguyên nhân của nguyên nhân chính là tìm ra nhân tố có ý nghĩa quyết định đưa Nghị quyết 11 thành hiện thực cuộc sống.
Như vậy, trong những nhân tố quan trọng đưa Nghị quyết 11 vào cuộc sống, thì nhân tố con người có ý nghĩa quyết định nhất. Khi đường hướng đã được xác định trong nghị quyết, thì việc thực hiện đường hướng đó hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Yếu tố con người ở đây là đảng viên, cán bộ và nhân dân Thủ đô, trong đó đảng viên, cán bộ giữ vai trò tiên phong, trong số này cán bộ lãnh đạo, quản lý từ thành phố đến xã, phường, thị trấn đóng vai trò gương mẫu, tiên phong nhất.
2. Với quan niệm con người là nhân tố quyết định, nhất là con người - lãnh đạo, con người - quản lý và để bảo đảm thắng lợi việc thực hiện Nghị quyết 11 về phát triển Thủ đô trong mười năm tới, phải chăng, triển khai Nghị quyết 11 nên bắt đầu từ việc thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TƯ "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Thực chất, đây là nghị quyết cấp bách xốc lại đội ngũ cho ngay ngắn hơn, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nó đánh dấu một bước quyết liệt trong chủ trương của Đảng ta về công tác cán bộ, mà nhiều năm nay đã quan tâm, nhưng hiệu quả chưa cao. Ban hành nghị quyết đã quan trọng, thực hiện thành công nghị quyết còn quan trọng hơn.
Theo đó, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nên chăng cần vận dụng cụ thể ba vấn đề cấp bách vào thực tiễn Hà Nội để chỉnh đốn đội ngũ cán bộ. Từ góc độ chủ thể thực hiện Nghị quyết 11, những câu hỏi nảy sinh tất yếu trong việc xử lý những vấn đề cấp bách làm cơ sở vững chắc cho thực hiện thắng lợi nghị quyết này, phải chăng là:
a/ Làm thế nào để tiếp tục nhân lên những thành tựu đã đạt được trong hơn một phần tư thế kỷ đổi mới của Thủ đô?
b/ Trong từng ngành, từng cấp cụ thể của Hà Nội có những hạn chế, khuyết điểm nào đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục? Nguyên nhân trở ngại là gì? Trong liên hệ bản thân mỗi cán bộ rút ra được điều gì cụ thể?
c/ Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từng cấp, từng ngành đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Thủ đô đang ở mức độ nào? (tức chúng ta đang là ai?). Làm thế nào để toàn bộ hệ thống cán bộ lãnh đạo - quản lý các cấp của Thủ đô được trong sạch, vững mạnh, thực sự là những người tiên phong, gương mẫu? (tức chúng ta phải là người như thế nào?). Làm thế nào để nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Nghị quyết 11 đã chỉ rõ? (tức chúng ta phải làm gì với cương vị của chúng ta?).
d/ Bằng cách nào để tăng cường và củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân Thủ đô đối với Đảng bộ. Phải chăng, nhân tố cốt lõi tạo niềm tin là thực hành đạo đức cách mạng trên thực tế, trong đó, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải bằng hành động cụ thể. Một hành động nêu gương có giá trị lôi cuốn, lan tỏa gấp ngàn lần thuyết giảng.
Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ Thủ đô, có đảng số hơn một phần mười đảng số toàn quốc, Hà Nội lại là nơi làm việc của hệ thống chính trị cấp Trung ương, nên Đảng bộ Hà Nội có lợi thế để chủ động và sáng tạo vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của mình. Trí tuệ, bản lĩnh và lợi thế của Thủ đô đòi hỏi tính tiên phong đối với Đảng bộ Hà Nội. Trả lời những câu hỏi trên, trước hết là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của mỗi cấp ủy trong sự tham gia trách nhiệm của nhân dân. Làm thế nào để động viên trí tuệ, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia xây dựng Đảng bộ cũng lại là trách nhiệm của các cấp ủy trong việc thể hiện trên thực tế mối quan hệ sắt son giữa Đảng và dân. Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội. Tuy vậy, quy chế này mới dừng ở tầm vĩ mô cấp thành phố về phản biện xã hội trong một phạm vi nhất định. Đã đến lúc Thành ủy cần ban hành một chỉ thị hoặc nghị quyết về giám sát và phản biện xã hội để hệ thống chính trị Thủ đô có cơ sở cụ thể hóa những cách thức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền một cách thiết thực, hiệu quả.
Có thể còn có những câu hỏi khác được đặt ra, nhưng trả lời trúng những câu hỏi trên, ít nhất cũng là việc các ủy viên cấp ủy các cấp trong Đảng bộ hình thành con đường tiệm cận những nguyên nhân cơ bản nảy sinh ngay trong khâu lãnh đạo, quản lý một cách khách quan, khoa học, đồng thời, chỉ ra "bóng dáng" của bản thân trong đó như thế nào một cách trung thực. Với trí tuệ và bản lĩnh của mình, các cấp ủy trong Đảng bộ Thủ đô phải thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhất là khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành TƯ khóa XI cũng đặt cho mình nhiệm vụ này một cách nghiêm túc.
Những vấn đề nêu trên là yêu cầu mang tính chiến đấu cao, trong đó tự phê bình một cách trung thực và phê bình một cách thẳng thắn, xây dựng có vị trí quan trọng đặc biệt. Vì thế, chúng tôi cho rằng để Nghị quyết 11 có sức sống trong thực tiễn phát triển Thủ đô, bước quyết định, then chốt phải là chỉnh đốn đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp từ thành phố xuống cơ sở xã, phường, thị trấn theo tinh thần NQ 12. Đội ngũ này là người trả lời Nghị quyết 11 sẽ đạt kết quả đến đâu. Họ giữ vai trò quyết định trong việc khai thác, động viên mọi nguồn lực của Thủ đô một cách khoa học, hiệu quả. Nhân dân Thủ đô luôn đặt niềm tin và hy vọng vào sự thành công của Nghị quyết 11 và cũng luôn có những đóng góp tích cực, cụ thể, góp phần để "những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm" sẽ không còn phải nhắc lại vào thời điểm Thủ đô về trước cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Niềm tin nơi nhân dân từ đó được nhân lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.