(HNMCT) - Sau những tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca ra mắt đều đặn, mới đây, nhà thơ Vương Tâm trình làng tập bút ký “Con mắt qua kẽ tay” (NXB Văn học, 2022). Cuốn sách bao gồm 25 bút ký viết về các làng nghề thủ công truyền thống trên khắp đất nước cùng chân dung nghệ nhân tài hoa. Nhà thơ đã ghi lại những câu chuyện làng nghề, hành trình sáng tạo cũng như công việc gìn giữ vốn quý của ông cha. Mỗi bút ký chứa đựng những vỉa tầng văn hóa và lịch sử phát triển lâu đời của các làng nghề.
Tập bút ký “Con mắt qua kẽ tay” phản ánh đa dạng những mảng đời sống và lịch sử phát triển của nhiều làng nghề truyền thống. Không khí cách mạng, kháng chiến một thuở mà các làng nghề luôn phát huy và tiếp nối hiện lên trong bài bút ký “Bâng khuân cung đàn Đào Xá”, gắn với công cuộc kháng chiến của Thủ đô, với sự ra đời của bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. Bài “Mõ làng” viết về làng nghề làm mõ ở Huế một thuở gắn với công cuộc kháng chiến của quân dân Bình Trị Thiên.
Bầu không khí rạo rực của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở lại trong bài “Nơi những lá cờ bay khắp chốn giang sơn” viết về nghề làm cờ của làng Tự Vân, Thường Tín, Hà Nội. Bài viết có đoạn: “Thời cơ đã đến! Những lá cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân tung bay khắp ngả đường ngoại ô tiến vào thành phố. Hàng ngàn lá cờ trùng điệp tung lên theo nhịp điệu trong lời ca: “Mười chín tháng Tám. Ánh sao tự do đưa tới. Cờ bay muôn nơi, muôn ánh sao vàng. Máu tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn...”. Những lá cờ của làng Từ Vân còn tung bay trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày Quốc khánh 2-9-1945”.
Với bút pháp trữ tình khi thì hóm hỉnh, khi lại bay bổng, nhà thơ Vương Tâm luôn gây bất ngờ cho bạn đọc ở những chi tiết độc đáo và nghệ thuật kể chuyện sinh động, tiêu biểu như những bài ký “Con mắt qua kẽ tay”, “Vương quốc rắn bên sông Tiền”, “Rộn rã làng kèn tây”... Bài “Vương quốc rắn bên sông Tiền” gắn liền với công cuộc kháng chiến chống Mỹ trong những tháng năm cam go nhất. Từ một tổ cứu thương chuyên trách chữa rắn độc cắn trong những năm 1970, đến nay các chiến sĩ và bác sĩ đã cứu sống hàng vạn người bị rắn độc cắn trên khắp các tỉnh miền Đông, Đồng bằng sông Cửu Long.
Tập sách của nhà văn Vương Tâm đọng lại nhiều bài bút ký có giá trị văn học như “Mắt gốm bên sông Thu Bồn”, “Bâng khuâng cung đàn Đào Xá”, “Chiếc lông cò bay trong cổ tích”, “Kỳ bí làng rèn Phúc Sen”, “Ám ảnh cõi Thanh Chiêm”... Có thể nói, mỗi bài bút ký tựa như áng thơ văn xuôi ngợi ca cuộc sống lao động ngàn năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.