(HNM) - Ngày 30-1, chưa đầy 2 tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) được tổ chức tại Brussels (Bỉ) và cũng vừa "chân ướt chân ráo" rời khỏi Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên "ngôi nhà chung" của Lục địa già lại hối hả gặp mặt để tiếp tục tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tài chính đang đe dọa nhấn chìm cả khu vực.
Kể từ tháng 3-2011, Châu Âu đã phát đi những tín hiệu cho thấy cơn bão nợ công từ Hy Lạp nhiều khả năng vượt ra ngoài tầm kiểm soát, Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối năm 2011 cũng đã là cuộc gặp lần thứ 7. Đó là còn chưa kể những cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa các quốc gia trụ cột trong khu vực. Rất nhiều biện pháp, sáng kiến đã được mang ra bàn thảo, từ sự cấp thiết cải tổ Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), thắt chặt chính sách tài khóa và ngân sách, đến cả dự định sửa đổi Hiệp ước Lisbon mới được thông qua cách đây 2 năm... thế nhưng, kết quả thu được chỉ là tối thiểu so với những gì các nhà lãnh đạo EU mong muốn. Vì lẽ đó, quả bom nợ không những không bị vô hiệu hóa mà ngày càng đe dọa cả những quốc gia vốn được xếp vào nhóm đầu tàu kinh tế thế giới như Đức, Anh, Pháp.
Con số thất nghiệp ở Châu Âu đã lên tới hơn 23 triệu người. |
Không khác nhiều so với những gì diễn ra tại cuộc gặp trước, các biện pháp được bàn thảo tại hội nghị lần này vẫn chỉ xoay quanh "bản giao hưởng" có nội dung "thúc đẩy tăng trưởng và siết chặt kỷ luật ngân sách" dù có thêm chi tiết được xem như "điểm nhấn". Đó là, cắt giảm phải "sáng suốt, linh hoạt" để tạo không gian cho tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, "điểm nhấn" xem chừng còn mơ hồ này khó có thể mang lại sức mạnh để tạo ra bước đột phá cho hội nghị. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế EU đang bị lớp lớp mây đen bao phủ với hàng loạt tín hiệu tiêu cực đang ùn ùn kéo về. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp Châu Âu lên tới mức kỷ lục - hơn 23 triệu người, tốc độ tăng trưởng gần như bằng 0 đang kéo Eurozone cận kề bờ vực suy thoái lần thứ hai.
Ngay trước thềm hội nghị, niềm tin của các nhà đầu tư tiếp tục phải đương đầu với thử thách mới khi Cơ quan thẩm định tài chính Fitch quyết định hạ bậc tín nhiệm của 5 quốc gia gồm: Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovenia và Cộng hòa Cyprus; đồng thời hạ thấp triển vọng với Ireland. Việc đánh giá lại mức tín nhiệm sẽ đẩy chi phí vay nợ của các nước này lên cao, tạo thêm áp lực lên các nhà lãnh đạo Châu Âu khi họ đang phải vật lộn xây dựng bức tường lửa tài chính để ngăn chặn khủng hoảng lây lan.
Phương pháp được cho là hiệu quả nhất hiện nay là các thành viên EU phải chung tay hành động để trước hết là tự cứu mình, tiếp đến là cứu đồng euro như một thành quả chung của mấy thập kỷ phát triển Châu Âu. Thế nhưng, ngay từ hội nghị lần trước, "bản giao hưởng" của ngôi nhà chung đã có những dấu hiệu lạc nhịp.
Kế hoạch áp dụng "nguyên tắc vàng" về tài chính của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã không nhận được sự tán đồng của Anh. Thái độ của Thủ tướng David Cameron là không quá bất ngờ, bởi London - trung tâm tài chính lớn nhất Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức nếu áp dụng tất cả các chính sách ngặt nghèo của EU. Bên cạnh đó, bản thân nước Anh không muốn chạy theo một cuộc chơi do bộ đôi "Merkozy" đạo diễn. Trước sự phản đối của Anh, Hungary và sự lưỡng lự của Thụy Điển, CH Séc, EU buộc phải đi đến một giải pháp dung hòa: thỏa thuận mới tăng cường "kỷ luật" ngân sách sẽ là một thỏa thuận mở với 17 nước thành viên Eurozone và 10 nước EU còn lại sẽ chỉ là tham gia với tinh thần tự nguyện. Sự tự nguyện này dự báo một cuộc tháo chạy không mong muốn sẽ mang tới nhiều bất lợi hơn về tài chính với Lục địa già đang trong cơn bĩ cực. Vậy, không có gì là ngạc nhiên nếu trong cuộc gặp lần này Anh chỉ đến với vai trò quan sát viên. Bản hiệp ước mới về ngân sách, còn gọi là "khế ước tài chính" được kỳ vọng là thành quả của hội nghị (có thể sẽ thiếu chữ ký của CH Séc và Ireland) cũng có thể một lần nữa khiến thế giới lên cơn sốt bằng quyết định trưng cầu dân ý về vấn đề này.
Con đường thoát khó về tài chính của Châu Âu xem ra vẫn còn rất mịt mùng. Và, điệp khúc "khủng hoảng nợ" sẽ lại cất lên tại các cuộc gặp thượng đỉnh của EU mà cả Châu Âu chưa thể biết bao giờ mới là cuộc gặp cuối cùng .
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.