(HNM) - Nhắc tới xã Thanh Thùy (Thanh Oai), nhiều người nghĩ ngay là
Một thời vàng son
Làm trống tại gia đình anh Lê Ngọc Sở - chị Nguyễn Thị Lan, thôn Gia Vĩnh (xã Thanh Thùy).
Nghề làm trống đã xuất hiện ở thôn Gia Vĩnh, xã Thanh Thùy hằng trăm năm nay. Nhờ nghề mà nhiều gia đình có cuộc sống sung túc. Cụ Sung ở thôn Gia Vĩnh cho hay, khoảng đầu thập kỷ 8 của thế kỷ trước, ở Gia Vĩnh gần như 100% số hộ làm trống cung cấp cho khắp vùng Hà Tây, Hà Nội. Chẳng thế mà vùng Phủ Ứng Thiên xưa truyền tụng câu ca: Bưng trống thì ngã tư Rùa (thôn Gia Vĩnh)/ Đan thúng kẻ Ngảy, đan lờ Thanh Giang… Cũng như cách làm trống ở nhiều vùng quê khác, người Gia Vĩnh làm trống gồm ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da làm trống phải là da trâu cái, được bào sạch lớp mỡ bên trong, sau đó căng phẳng, phơi nắng cho khô. Gỗ làm tang trống là gỗ mít, thứ gỗ không bị mối mọt, bưng trống đánh sẽ kêu to. Cây gỗ được cắt khúc, pha thành từng dăm (tùy theo kích cỡ của trống), sau đó khép khít với nhau làm thân, miết sơn ta vào các khe cho thật kín. Khâu cuối cùng, lấy da trâu quây tròn căng hết cỡ, rồi đóng cố định vào thân bằng đinh vầu hoặc tre già. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công nên tay nghề của người thợ có vai trò quyết định đến chất lượng trống. Người làm khéo thì khi trống đánh lên như có nhạc, vừa dõng dạc, vừa âm vang… Hiện nay, tại đình thôn Gia Vĩnh vẫn còn thờ vị tổ nghề có công dạy dân làng làm trống. Hội làng hằng năm là dịp nhớ đến công lao to lớn của các bậc tiền bối đã mang nghề về làng.
Nỗi ưu tư với nghề cổ
Gia Vĩnh hôm nay thay vì nhà nhà cưa đục, da trâu phơi khắp đồng là những xưởng sản xuất tấp nập, máy móc, sắt thép ngổn ngang… Làng trống nay đã thành "làng cơ khí". Nhiều người làm trống nổi tiếng của làng được xếp hạng nghệ nhân đã "khuất núi". Dấu ấn của nghề trống chỉ còn thấp thoáng nơi góc sân, góc nhà của 5 hộ say nghề, bám trụ với nghề.
Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Cường đúng lúc anh đang chuẩn bị đi "ký hợp đồng" làm trống ở làng bên. Trong sân nhà bày la liệt hàng chục chiếc trống đang làm dở dang với nhiều kích cỡ khác nhau. Anh Cường cho biết, "làm trống là nghề truyền thống của gia đình và quê hương tôi. Từ thuở lên mười, tôi đã biết phụ giúp cha một số công đoạn làm trống. Người làm trống cũng như người nghệ sỹ, phải biết thẩm âm để xác định độ vang của trống. Trống đình, trống chùa phải khác trống dùng cho các đoàn ca múa, trường học... Không phải ai theo nghề cũng có thể trở thành thợ giỏi"… Năm 2010 vừa qua, anh Cường đã hoàn thành hàng chục chiếc trống cỡ đại, trong đó có những chiếc anh làm để phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đối diện với nhà anh Cường là gia đình anh Lê Ngọc Sở, chị Nguyễn Thị Lan với hơn 30 năm gắn bó với nghề. Hằng ngày, hai vợ chồng anh nạo da, xẻ gỗ, ghép tang, rồi đi nhận hợp đồng, đi giao hàng... chẳng khi nào hết việc. Những lúc có dịp nhiều đơn hàng, hai vợ chồng căng ra làm mà không kịp, phải mượn thêm người. Cuộc đời làm nghề, anh đã làm ra hàng ngàn chiếc trống phục vụ đình, chùa, miếu, các nhà thờ đạo và cả các đoàn nghệ thuật trong vùng. Trong đó, có những chiếc trống khổng lồ với kích thước trên 2m, hai người ôm không xuể.
Dù biết nghề truyền thống cần phải giữ gìn, phát triển nhưng người làm nghề không khỏi băn khoăn bởi thu nhập từ làm trống thấp hơn so với nhiều nghề khác, nỗi lo thất truyền rất rõ bởi số hộ làm nghề ngày một giảm và lớp trẻ không mấy hào hứng học nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.