Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn hiện tượng UBND không cung cấp hồ sơ khi bị khởi kiện

Hà Phong| 24/12/2019 13:54

(HNMO) - Sáng 24-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 do Bộ Tư pháp tổ chức.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương. Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn và đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự.

Sau khi nghe báo cáo về kết quả công tác tư pháp năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020, các đại biểu đã nghe 4 báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực: Xây dựng pháp luật; thi hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; thanh tra trong lĩnh vực hành chính, tư pháp và xử lý vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành tư pháp tiếp tục được đổi mới, theo đúng phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, việc thực hiện công tác tư pháp cũng còn hạn chế.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tình hình thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Vẫn còn hiện tượng UBND, Chủ tịch UBND không thực hiện hoặc cung cấp chưa đầy đủ hồ sơ, tài liệu về vụ việc hành chính bị khởi kiện, không tham gia đối thoại trong quá trình giải quyết vụ việc.

Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, ngành thi hành án được giao nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, khiến nhiều nơi quá tải về công việc. Để giảm tải, các địa phương đã xây dựng 21 Đề án thực hiện chế định thừa phát lại (tổ chức tư nhân thực hiện các công việc liên quan đến thi hành án), nâng tổng số các tỉnh, thành phố thực hiện chế định thừa phát lại lên 34. Tuy nhiên, do người dân chưa tin tưởng, lại vướng về cơ chế, điều kiện làm việc, tổ chức tư nhân chưa có nhiều đóng góp lớn.

Tương tự, ở lĩnh vực lý lịch tư pháp, nhu cầu của người dân, đại diện doanh nghiệp đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng tăng cao, trong khi đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành tiếp tục giảm về số lượng, thiếu tính ổn định.

Ở lĩnh vực hộ tịch, cả nước đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 2.073.814 trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho 961.124 trường hợp; khai tử cho 581.212 người; đăng ký kết hôn cho 744.046 cặp. Nhưng số người tự nguyện dùng dịch vụ công trực tuyến chưa cao.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cơ bản nhất trí với 10 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành tư pháp dự kiến thực hiện trong năm 2020. Đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý, trong quá trình tham gia xây dựng chính sách, ngành tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn việc thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật; chú trọng hơn nữa vai trò “gác cổng pháp luật”.

Bên cạnh đó, ngành tư pháp cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ; tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ và các bộ, ngành xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, nhất là giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn hiện tượng UBND không cung cấp hồ sơ khi bị khởi kiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.