(HNM) - Thế giới Hồi giáo đang
Ngay lập tức các biếm họa này đã làm dấy lên những lo ngại về một làn sóng giận dữ của thế giới Hồi giáo bùng lên khắp Châu Âu như đã từng xảy ra vào năm 2006.
Cảnh sát tăng cường bảo vệ tòa soạn Charlie Hebdo tại Paris.
Charlie Hebdo là cái tên không xa lạ trong những vụ tranh cãi liên quan tới đạo Hồi. Năm ngoái, tạp chí ra hằng tuần này từng phát hành một ấn bản mang tên Sharia Hebdo, tự giới thiệu là do nhà tiên tri Mohammed đứng ra làm "biên tập viên khách mời". Và, hậu quả là các văn phòng của tạp chí tại Paris đã đồng loạt bị dội bom cháy.
Với loạt tranh biếm họa mới nhất mà Charlie Hebdo cho rằng không phải là hành động gây hấn mà chỉ là một phần của quyền tự do báo chí, chưa vấp phải hành động quá khích nào do các nhóm Hồi giáo gây ra tại Pháp. Song, vụ việc không khỏi khiến người dân đất nước hình lục lăng cảm thấy bất an, nhất là trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối bộ phim "Sự vô tội của người Hồi giáo" tại Trung Đông, Nam Á ngày càng phức tạp. Một số cuộc biểu tình cũng đã nổ ra tại Đan Mạch, Anh, Bỉ... Trong khi đó, Pháp lại là quốc gia có nhiều tín đồ đạo Hồi nhất ở Tây Âu - khoảng 4,7 triệu người.
Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao các nhà lãnh đạo Pháp đã gần như lập tức tung ra động thái được cho là nhằm xoa dịu tình hình ngay sau khi ấn bản gây tranh cãi của Charlie Hebdo phát hành. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố phản đối tất cả mọi khiêu khích; đồng thời cho rằng, việc đăng tải các tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed chẳng khác gì kích động bạo lực lan rộng cho dù tại Pháp, quyền tự do ngôn luận được tôn trọng. Còn Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng khẳng định không tán đồng mọi cử chỉ quá trớn và kêu gọi: "Mỗi người nên tỏ ra có trách nhiệm".
Để đề phòng phản ứng có thể về các bức tranh biếm họa của Charlie Hebdo, các đại sứ quán, lãnh sự quán và các trường học của Pháp tại khoảng 20 quốc gia Hồi giáo đã phải đóng cửa vào thứ sáu (21-9) vừa qua, tức là ngày cầu kinh hằng tuần của người Hồi giáo. Bộ Ngoại giao Pháp cùng ngày cũng khuyến cáo công dân nước này thận trọng khi đi đến các quốc gia Hồi giáo vào thời điểm này. An ninh đã được tăng cường quanh tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris trong khi trang web của tạp chí này đã bị đánh sập. Hàng loạt lời kêu gọi biểu tình của các tín đồ đạo Hồi đã được phát đi tại Pháp...
Xem ra, những lo lắng của người Pháp không phải không có cơ sở nếu nhìn lại những gì từng xảy ra cách đây 6 năm khi Tạp chí Jyllands-Posten tại Đan Mạch cho đăng 12 bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed. Sau đó, loạt tranh này đồng loạt xuất hiện ở nhiều nước Châu Âu, tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo mà Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen lúc đó phải so sánh với một "cuộc khủng hoảng toàn cầu".
Thời điểm hiện nay, tâm lý không đồng tình với phương Tây của người Hồi giáo đang dâng cao do chính sách ủng hộ Israel cũng như sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại vùng Vịnh, cuộc chiến Iraq, Afghanistan và làn sóng cách mạng mang tên Mùa xuân Arab thời gian qua... Vì vậy, các động thái phạm vào điều cấm kị, dù nhỏ nhất của thế giới Hồi giáo lúc này đều có thể làm bùng lên đám cháy đang âm ỉ. Và, các nhóm cực đoan sẽ không bỏ lỡ những cơ hội như vậy để phát động "cuộc chiến" bài Mỹ và Châu Âu trên toàn cầu.
Thế giới đã có nhiều bài học về sự thịnh nộ của các tín đồ Hồi giáo khi những giá trị tinh thần bị cho là xúc phạm. Thế nhưng, sai lầm sẽ lặp lại nếu vẫn còn những cá nhân hành động thiếu trách nhiệm khi muốn bày tỏ quan điểm mà không lường tới những hậu quả sẽ gây ra cho cộng đồng. Ngoài ra, không loại trừ những phần tử quá khích lợi dụng tình hình để kích động bạo lực nhằm thủ lợi riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.