(HNMO) - Ngày 7-10, Bảo tàng Hà Nội khai mạc Triển lãm mang chủ đề “Con đường”, nhằm tôn vinh những giá trị dân gian xưa cũ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại; tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến văn hóa - Bảo tàng Hà Nội, thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Triển lãm giới thiệu gần 100 tác phẩm nghệ thuật khai thác các đề tài quen thuộc từ 3 dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng… trên chất liệu sáng tác hoàn toàn mới là sơn mài khắc. Bên cạnh đó, là nhóm tranh tôn giáo, tranh vẽ danh nhân cũng được áp dụng thủ pháp tương tự để khắc họa.
Đây là sáng tạo của các nghệ sĩ thuộc không gian nghệ thuật Latoa Indochine, cho người xem những góc nhìn độc đáo, mới lạ và thú vị về dòng tranh truyền thống; qua đó khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa lịch sử của dân tộc nói chung, giá trị nghệ thuật của các dòng tranh dân gian nói riêng, tạo tiền đề phát triển tranh dân gian trên sơn mài trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Thủ đô.
Cụ thể, tranh sơn mài khắc là sự kết hợp sáng tạo và độc đáo của hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc. Thông qua nhiều công đoạn từ khắc lõm, lên màu sơn mài… và thếp vàng, thếp bạc tỉ mỉ, với thời gian 2 đến 3 tháng hoàn thiện, hình ảnh trong tranh đạt đến độ sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy hiển hiện tầng tầng, lớp lớp màu sang trọng và đẹp mắt. Kỹ thuật này được hình thành sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm của các nghệ sĩ, với trăn trở làm sao để giữ gìn, lan toả được di sản văn hóa mà cha ông để lại, đồng thời nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam.
Tại khai mạc, Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long cho biết: “Đây là hành trình mà Latoa Indochine đã ấp ủ từ lâu, một hành trình với tình yêu và sự trân quý dành cho nét đẹp văn hoá dân tộc; mong muốn gìn giữ, tôn vinh và tiếp nối những giá trị nghệ thuật dân gian xưa cũ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, như một cách lưu giữ và phản ánh sắc thái, phong tục, tập quán mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S”.
Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê đánh giá cao dự án, chia sẻ: Triển lãm không chỉ giới thiệu về tranh dân gian Việt Nam mà còn cho công chúng và du khách cơ hội tìm hiểu về kỹ thuật chạm khắc hiện đại trên chất liệu sơn mài cổ truyền, với những đường nét tinh xảo, mềm mại có hồn, thể hiện được những nét đặc trưng và tinh hoa của tranh dân gian.
“Những bức tranh sơn mài dát vàng, dát bạc tạo được các mảng màu đối lập và bắt sáng làm cho các bức tranh dân gian mang một hình ảnh mới sang trọng và giá trị hơn. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng, phát triển”, Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói.
Còn theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, triển lãm là sự kiện ý nghĩa, góp phần quan trọng vào Dự án Bảo tồn tranh dân gian Việt Nam. Ban tổ chức triển lãm mong muốn đưa người xem trở về những ngày của hội hoạ dân gian xưa để ngắm nhìn, cảm nhận và trân quý một nét đẹp vang bóng một thời, rồi sau đó, cùng nhau gìn giữ, lan tỏa trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 31-12.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.