(HNM) - Lãi suất VND đang có chiều hướng nhích dần đối với cả huy động và cho vay, nhưng mức tăng chỉ chủ yếu áp dụng với các kỳ hạn dài...
Hiện lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng); 5,4-6,5%/năm (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng); 6,4-7,2%/năm (trên 12 tháng). Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên: 6-7%/năm (ngắn hạn), 9-10%/năm (trung và dài hạn). Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm (ngắn hạn), 9,3-11%/năm (trung và dài hạn). Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể "rơi" xuống 4-5%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, 5 tháng đầu năm nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng diễn biến ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều hành các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để giữ ổn định lãi suất huy động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Đối với câu hỏi của doanh nghiệp về mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, giảm lãi suất tại thời điểm này khó khăn, để thực hiện được cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Lạm phát hiện khá cao so với khu vực và quốc tế, dự báo sẽ khoảng 4-5%. Cùng với đó, chi phí hoạt động của toàn nền kinh tế còn cao, kéo theo chi phí đầu vào cao. Chi phí huy động vốn tương đối lớn, cộng với nợ xấu còn tồn đọng cũng là những nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, giảm lãi suất cho vay là việc Ngân hàng Nhà nước có thể làm được, bằng cách mua lại trái phiếu trên thị trường, mua lại trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại, đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Nhưng trên thực tế để làm được điều này không dễ, nên lãi suất cũng khó giảm.
Mặc dù dư địa cho lãi suất giảm không còn, tức là doanh nghiệp khó có thể kỳ vọng được vay vốn với lãi suất rẻ hơn, nhưng nếu so sánh với thời điểm vài năm trước, mức lãi suất hiện tại là chấp nhận được. Thực tế là mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9-2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm đối với lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay với sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nếu so với mặt bằng năm 2011, lãi suất chỉ còn 40%.
Kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ dẫn tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp, cũng như vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng. Song, so sánh với một số nước như Myanmar với lãi suất cho vay ở mức 13%/năm; Indonesia: 11,9%/năm; Thái Lan: 6,3%/năm; Singapore: 5,4%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam bằng VND là: 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.