Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn chấn động từ Địa Trung Hải

Trung Hiếu| 02/06/2010 07:18

(HNM) - Đó là cuộc tấn công đẫm máu của Hải quân Israel (ngày 31-5 vừa qua) trên hải phận quốc tế nhằm vào đoàn tàu hòa bình chở hàng viện trợ nhân đạo đang trên đường tới Dải Gaza giúp người Palestine trong cảnh vô cùng thiếu thốn do bị Israel phong tỏa.

Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ giơ cờ Palestine và tỏ thái độ phản đối hành động quân sự của chính quyền Israel.

(HNM) - Đó là cuộc tấn công đẫm máu của Hải quân Israel (ngày 31-5 vừa qua) trên hải phận quốc tế nhằm vào đoàn tàu hòa bình chở hàng viện trợ nhân đạo đang trên đường tới Dải Gaza giúp người Palestine trong cảnh vô cùng thiếu thốn do bị Israel phong tỏa.

Ngay lập tức, một phản ứng dây chuyền bùng nổ suốt 24 giờ qua từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi đến châu Á cũng như các quốc gia trên đại đương và ngay tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ)… Dư luận thế giới đã mạnh mẽ lên án, bày tỏ thái độ phản đối hành động vi phạm luật pháp quốc tế này của Nhà nước Do Thái.

Hải quân Israel, với tàu chiến hùng mạnh, lính đặc nhiệm được trang bị đến tận răng đã đột kích lên boong tàu của Thổ Nhĩ Kỳ - một trong số đoàn tàu 6 chiếc - đang chở hàng viện trợ tới Dải Gaza thuộc Palestine bị phong tỏa. 19 người thiệt mạng và 50 người bị thương - những người trong tay không có vũ khí - đã gây chấn động không chỉ cả vùng biển Địa Trung Hải, mà còn khiến cả thế giới bàng hoàng. Dư luận Trung Đông càng căm phẫn hơn trong những giờ qua khi những người thiệt mạng và bị thương là những nhà hoạt động hòa bình, đang hướng tới số phận của khoảng 1,5 triệu người Palestine đang sống tại Dải Gaza. Họ đang trên đường mang hàng viện trợ từ bên ngoài đến cho người Palestine đang thống khổ do lệnh cấm vận hà khắc của chính quyền Tel Aviv kể từ khi Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas giành quyền kiểm soát tại đây năm 2007.

Việt Nam lên án vụ tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ

(HNM) - Ngày 1-6, phản ứng trước hành động của Hải quân Israel, ngày 31-5, tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ nhân đạo tới Dải Gaza trên hải phận quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuyên bố:
"Việt Nam lên án mạnh mẽ việc quân đội Israel tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ tới Dải Gaza làm nhiều người thiệt mạng và bị thương. Hành động này đã vi phạm luật pháp quốc tế và làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến những người bị thiệt mạng trong vụ tấn công".     

Thanh Hải

Chiếc tàu bị Hải quân Israel tấn công trên hải phận quốc tế nằm trong đoàn 6 tàu chở 600 nhà hoạt động ủng hộ Palestine cùng 10.000 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza. Họ xuất phát theo lịch trình đã định, từ ngoài khơi thuộc đảo Síp (ngày 30-5) với dự định hoàn tất hải trình gần 400km vào trưa ngày 31-5. Đáng tiếc, súng đạn của Hải quân Nhà nước Do Thái đã chặn đứng mục đích nhân đạo cao cả của họ, ngăn cản khát vọng vì hòa bình của cộng đồng quốc tế, gây tấn thảm kịch trên Địa Trung Hải mà theo ngôn từ của nhiều nhà ngoại giao, là một "tội ác".


Tính đến ngày 1-6, Chính quyền Israel đã kết thúc cuộc thẩm vấn 600 nhà hoạt động hòa bình từ hơn 40 quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết trong số này từ chối về nước và họ đang bị giữ tại nhà tù Beer Sheba, miền Nam Israel. Khoảng 46 người, chủ yếu là người Thổ Nhĩ Kỳ, đang được điều trị tại bệnh viện, trong số đó 9 người đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Làn sóng phản đối tăng mạnh, làm dậy lên thái độ giận dữ với Nhà nước Do Thái. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), ngày 1-6, đã lên án vụ tấn công này và hối thúc Tel Aviv dỡ bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, Nhà nước Do Thái đã phạm một tội ác, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế trong vụ tấn công "giống như hành động của hải tặc". Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Thủ tướng Libăng Saad Hariri, đang ở thăm Xyri, sau cuộc hội đàm đã ra Tuyên bố chung "cực lực lên án tội ác của Israel". Tại châu Á, Pakistan coi vụ tấn công của Israel là "hành động phi nhân tính và dã man," trong khi Indonesia cho rằng cộng đồng quốc tế cần gây sức ép, buộc Israel phải chịu trách nhiệm về "hành động côn đồ" này. Tại châu Phi, Ai Cập cho rằng, Tel Aviv đã "sử dụng vũ lực bừa bãi và thái quá" khiến những người dân vô tội thiệt mạng.

Các nước đồng minh với Tel Aviv cũng bàng hoàng sau vụ tấn công. Tại Washington, Mỹ bày tỏ "lấy làm tiếc" về vụ việc và yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mở cuộc điều tra "toàn diện và đáng tin cậy" vụ việc. Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel B.Netanyahu, cuối ngày 31-5, đã lên án vụ tấn công và xem đây là hành động "không thể chấp nhận được".

Rõ ràng, vụ tấn công, như đánh giá của nhiều giới chức Âu, Mỹ, đã "vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản nhất của con người và luật pháp quốc tế; đồng thời có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh mà hậu quả sẽ không chỉ giới hạn trong khu vực". Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạt động nhân đạo ủng hộ Palestine trong khu vực thực hiện chuyến đi tới Dải Gaza. Kể từ tháng 8-2008 đến nay, đã có 8 chuyến đi tương tự "chuyến đi định mệnh" kể trên để cứu giúp người dân đang sống ở Dải Gaza tránh khỏi một thảm họa nhân đạo do lệnh phong tỏa của Israel. Hành động vừa qua của Tel Aviv đã "phản tác dụng".

Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực xây dựng lòng tin để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, vun xới các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine thì hành động đẫm máu của Nhà nước Do Thái trên Địa Trung Hải chẳng khác nào gáo nước lạnh làm tiêu tan mọi hy vọng vừa chợt nhen nhóm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơn chấn động từ Địa Trung Hải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.