(HNM) - Hiện đang là mùa cao điểm của du lịch, lượng khách tăng đột biến khiến nhiều nhà hàng, quán ăn không tuân thủ đầy đủ các quy trình vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, việc phải bảo quản quá nhiều thực phẩm trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế cũng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, gây nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng.
Những món ăn dễ gây ngộ độc
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 5-2023, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 269 người bị ngộ độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 34 vụ ngộ độc thực phẩm với 613 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người tử vong. Vào mùa du lịch, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu. Thêm vào đó, thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách cũng là nguyên nhân gây nguy cơ gia tăng các vụ ngộ độc.
Theo bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), để sẵn sàng phục vụ lượng khách gia tăng, các hàng quán đã phải tích trữ nhiều thực phẩm. Nếu quy trình bảo quản, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn dễ khiến du khách bị ngộ độc. Nguyên nhân gây ngộ độc thường do vi sinh vật có trong thức ăn; thức ăn bị biến chất; thực phẩm có hàm lượng chất bảo quản, chất phụ gia... vượt quá mức cho phép hoặc độc tố tự nhiên có trong thực phẩm.
Đưa ra dẫn chứng về những thực phẩm dễ gây ngộ độc, bác sĩ Đào Trần Tiến cho biết, hải sản có hàm lượng protein, đạm và khoáng chất cao nên nếu ăn nhiều, hệ tiêu hóa khó hấp thu và chuyển hóa hết, gây rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, một số loại hải sản chứa chất độc gây nguy hại đến sức khỏe như tetrodotoxin có trong cá nóc, mực đốm xanh, bạch tuộc xanh, một số loài ốc biển (như ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc...). Độc tố vi tảo saxitoxin thường có trong các loài ốc biển (mặt trăng, ốc đụn, ốc trám...), sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua. Động vật có vỏ như hàu, sò, ngao, trai, hến, vẹm xanh... nếu được nuôi trong môi trường nước bị ô nhiễm, quá trình sơ chế không bảo đảm vệ sinh có thể nhiễm khuẩn noro gây nôn mửa, tiêu chảy. Ngoài ra, các món salad như xà lách trộn, gỏi trộn, thịt chín tái; thịt, cá muối chua; nem chua; sushi; sashimi... cũng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng gây ngộ độc.
“Một số người có thói quen mang theo thực phẩm đóng hộp khi đi du lịch. Tuy vậy, với thực phẩm giàu protein đóng trong hộp kín là môi trường cho loại vi khuẩn kỵ khí clostridium botulinum phát triển và tiết ra độc tố botulinum. Khi vào cơ thể, độc tố này gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ, dễ dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, khi sử dụng thực phẩm đóng hộp cần loại bỏ đồ hộp quá hạn sử dụng, vỏ hộp bị phồng hoặc bị lõm sâu, biến dạng, thay đổi màu sắc, mùi vị”, bác sĩ Đào Trần Tiến lưu ý thêm.
Các cách phòng tránh ngộ độc khi đi du lịch
Hà Nội là địa phương có nhiều địa danh, di tích lịch sử thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Chính vì vậy, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, đơn vị đã yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nhất là phải lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ…
“Cơ quan chức năng của thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, đồng thời yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, sai sót nhỏ nhất như không sử dụng găng tay khi bốc thức ăn chín, vệ sinh khay bát không sạch, đeo trang sức khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm… Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Để phòng tránh ngộ độc khi ăn các loại hải sản trong chuyến du lịch, theo bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), các loại hải sản cần được lựa chọn tươi, sống trước khi chế biến, sơ chế bảo đảm vệ sinh và nấu chín kỹ trước khi ăn. Mọi người không nên sử dụng hải sản đã ôi thiu, bảo quản lâu ngày do có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Ngoài ra, mọi người không nên chọn mua đồ ăn bán dạo ngoài bãi biển, đường phố, khu vui chơi; thực phẩm chế biến sẵn được bày bán tại nơi không bảo đảm vệ sinh, không được che chắn bụi hay ruồi, muỗi cẩn thận…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cũng lưu ý, trước khi đến một vùng đất mới, mọi người nên tìm hiểu về thực phẩm địa phương và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày. Nên lựa chọn những nhà hàng, quán ăn có uy tín và được đánh giá cao. Trước khi ăn cần rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng nước rửa tay sát khuẩn. Nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và ăn nóng. Đặc biệt, không ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Ngoài ra, nên uống nước đóng chai hoặc nước sôi, sạch; tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không bảo đảm vệ sinh.
“Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngộ độc sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau. Sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm, không bảo đảm an toàn, thông thường, người bệnh sẽ đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn, sốt nhẹ, đau đầu, chán ăn sau khoảng 30 phút đến 8 ngày. Nếu bị tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, sốt cao hơn 39 độ C, giảm thị lực, có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như khô da, tiểu ít hoặc vô niệu, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Đào Trần Tiến khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.