Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các đường dây tiêu thụ, giết mổ trái phép lợn bệnh, lợn chết với số lượng lớn.
Đáng lo ngại, cùng thời điểm này, nhiều bệnh viện ghi nhận các ca bệnh nguy kịch do ăn phải thịt lợn không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là các món khoái khẩu như tiết canh, nội tạng… Không ít người đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, nhiễm liên cầu khuẩn lợn, hoại tử, thậm chí ngừng tim.
Thịt lợn “bẩn” len lỏi vào quán ăn bình dân, bếp tập thể
Chỉ trong tuần đầu tháng 7-2025, lực lượng chức năng tại Hà Nội đã triệt phá nhiều đường dây tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết tại các chợ dân sinh như thôn Đan Nhiễm (xã Thường Tín), thôn Dư Xá và thôn Đặng Giang (xã Hòa Xá), cùng chợ Phùng Khoang (phường Đại Mỗ).
Theo Công an thành phố Hà Nội, các đối tượng thu gom lợn bệnh, lợn chết từ các địa phương lân cận, sau đó giết mổ trái phép tại nhà riêng. Để qua mặt người tiêu dùng, thịt được rửa bằng nước muối rồi phủ lớp tiết tươi nhằm tạo vẻ ngoài tươi mới.
Điều đáng lo ngại là số lượng thịt lợn bệnh vẫn âm thầm len lỏi ra thị trường mỗi ngày. Sau khi giết mổ, hàng tấn thịt được vận chuyển qua các lối nhỏ, đường làng để tránh bị phát hiện, rồi trà trộn vào thịt tươi bày bán công khai tại chợ Phùng Khoang.
Trong hai ngày 30-6 và 1-7, lực lượng công an đã kiểm tra các cơ sở giết mổ tại đây và thu giữ 45 con lợn sống có biểu hiện bệnh, 1.050kg thịt lợn đã giết mổ và 450kg nội tạng, tổng cộng hơn 4,3 tấn hàng vi phạm, trị giá ước tính hơn 318 triệu đồng. Theo lời khai của các đối tượng liên quan, phần lớn thịt lợn bệnh, lợn chết được tiêu thụ tại các hàng quán bình dân và bếp ăn tập thể…
Đáng lo ngại, dù đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng, các món ăn chế biến từ thịt lợn không bảo đảm an toàn thực phẩm như tiết canh, lòng lợn… vẫn được một bộ phận người dân ưa chuộng. Tại một số địa phương, người dân vẫn giữ quan niệm ăn tiết canh đầu tháng để lấy may. Không ít người còn tin rằng “ăn gì bổ nấy”, cho rằng tiết canh là cách bổ máu tự nhiên nhờ hàm lượng sắt và protein cao, giúp tăng hồng cầu và cải thiện tình trạng thiếu máu.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định đây là quan niệm sai lầm. Máu sống sau khi vào đường tiêu hóa không có khả năng sản sinh hồng cầu mà sẽ bị phân hủy hoàn toàn. Nguy hiểm hơn, tiết canh làm từ lợn mang mầm bệnh không chỉ là nguồn lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà còn có nguy cơ chứa các loại ký sinh trùng như sán gạo, giun xoắn... có thể gây bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Nguy cơ tử vong vì liên cầu khuẩn lợn
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nam N.N.T (63 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, nổi nhiều ban tím ở đầu, mặt, tai và tứ chi. Theo người nhà, 3 ngày trước đó, ông T. có ăn tiết canh, lòng lợn và uống rượu tại một quán quen gần nhà. Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, bệnh nhân được chuyển viện khẩn cấp.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Bằng - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngừng tim, phải thở máy, lọc máu và được hồi sức tích cực. Hiện sức khỏe đã tạm ổn định nhưng vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm”.
Cùng thời điểm, khoa Cấp cứu của bệnh viện đang điều trị hai bệnh nhân khác bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Cả hai đều trong tình trạng nguy kịch, phải lọc máu liên tục để duy trì chức năng sống.
Theo các bác sĩ, những ca nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh vẫn thường xuyên được ghi nhận, đặc biệt có xu hướng gia tăng vào mùa hè. Đáng lo ngại, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn, gây khó khăn cho việc điều trị và tiềm ẩn nguy cơ để lại di chứng nặng nề.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ 27-6 đến 4-7, Thành phố ghi nhận thêm một ca mắc liên cầu khuẩn lợn, nâng tổng số ca từ đầu năm 2025 lên 5 - tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ riêng miền Bắc, thành phố Huế cũng đã ghi nhận 33 ca mắc liên cầu khuẩn lợn từ đầu năm đến nay, trong đó có nhiều trường hợp nặng và đã có ca tử vong.
TS, bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cảnh báo, liên cầu khuẩn lợn là vi khuẩn nguy hiểm, có thể lây từ lợn sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua thực phẩm nhiễm bệnh, đặc biệt là tiết canh. Bệnh thường khởi phát nhanh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn ý thức. Ở thể nặng, người bệnh có thể rơi vào sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết dưới da, tổn thương đa cơ quan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.
Các chuyên gia cho biết, nguồn lây nhiễm phổ biến nhất là do ăn phải thực phẩm chế biến từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, lòng chần, nem chua sống... Vi khuẩn có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa hoặc qua các vết trầy xước trên da, niêm mạc khi tiếp xúc với máu, dịch tiết từ lợn mang mầm bệnh. Ngoài ra, người tham gia giết mổ, chế biến hoặc chăm sóc lợn bệnh cũng có thể bị lây nếu vi khuẩn xâm nhập qua vết trầy xước, tổn thương da hoặc niêm mạc khi tiếp xúc với máu, dịch tiết của con vật.
Chính vì vậy, bác sĩ Thân Mạnh Hùng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các món ăn từ thịt lợn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ, đặc biệt là tiết canh - món ăn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao. Những người làm nghề liên quan đến chăn nuôi, giết mổ, buôn bán thịt lợn cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, xử lý kỹ các vết thương hở trong quá trình làm việc, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết đúng quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.