LTS: Bước vào mùa nắng nóng, bên cạnh những lo ngại về thời tiết cực đoan, người dân còn phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Liên tiếp các vụ thực phẩm “bẩn” với số lượng lớn được cơ quan chức năng phanh phui cùng nhiều món ăn vỉa hè bị gọi tên trong các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra gần đây càng khiến người tiêu dùng bất an. Thực trạng này đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm...
Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài “Bất an ẩm thực đường phố mùa nắng nóng”, phản ánh thực trạng mất an toàn của thức ăn đường phố, những khó khăn và trách nhiệm của các bên trong việc quản lý loại hình dịch vụ này.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bát đĩa, dụng cụ bảo quản thực phẩm vệ sinh sơ sài; thực khách ngồi ăn ngay cạnh cống rãnh, bãi tập kết rác… là những bất cập về vệ sinh, an toàn thực phẩm đã và đang diễn ra hằng ngày tại nhiều hàng quán vỉa hè trên địa bàn Hà Nội. Mặt trái của loại hình kinh doanh quen thuộc này là tiềm ẩn những ổ bệnh di động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Khi thực khách phớt lờ mối nguy hại…
Khu vực đầu cổng chợ Ngọc Lâm (ngõ 366 đường Ngọc Lâm, quận Long Biên) từ lâu đã trở thành tụ điểm ẩm thực của giới trẻ vào mỗi tối.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, cứ sau 18h hằng ngày, vỉa hè nơi đây được lấp kín bởi vài chục chiếc bàn nhựa, không còn lối dành cho người đi bộ. Bốt điện gần đó cũng biến thành hậu trường tập kết cốc, chén, bát, đĩa, thìa, đũa... Trước khi đến tay thực khách, những vật dụng này được nhúng qua chậu nước đen kịt, váng mỡ. Cạnh nơi thực khách ngồi, những xe rác chất cao, mùi xú uế bốc lên quyện với mùi thức ăn, khói xe tạo thành thứ gia vị đặc trưng chỉ nơi đây mới có. Dẫu vậy, khách vẫn ra, vào tấp nập.
Ngồi thưởng thức các món nướng, chị Đặng Phương Anh (32 tuổi, ở phố Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết: “Thực phẩm ở đây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí không được bảo quản đúng cách nhưng với giá rẻ lại được người bán chế biến, tẩm ướp ngon miệng nên tôi vẫn lựa chọn mỗi khi tụ tập bạn bè”.
Tương tự, có mặt tại chợ Mun (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) vào cuối giờ chiều, phóng viên được chứng kiến không khí nhộn nhịp của thiên đường ẩm thực phục vụ công nhân, học sinh. Theo quan sát, điểm chung của các món ăn như xúc xích, chân gà, cánh gà nướng, các loại thịt viên chiên, trà chanh, bánh tráng trộn, nem rán, bánh mì patê, khoai rán… đều có màu sắc bắt mắt, được bày lộ thiên và “không hạn dùng, không nguồn gốc, không nhãn mác”.
Mua “xiên bẩn” - món ăn vặt vỉa hè giá rẻ tại một xe đẩy trong chợ Mun, em Nguyễn Thị Ngọc Liên, học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Bắc Thăng Long cho biết: “Dù biết đồ ăn không bảo đảm vệ sinh nhưng để chống đói sau giờ học, em và các bạn vẫn thường xuyên ăn”.
Khảo sát xung quanh khu vực các cổng trường Tiểu học Nghĩa Tân, Trung học cơ sở Cát Linh, Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại thương…, tình trạng cũng tương tự. Các xe bán đồ ăn nhanh lưu động phơi trần các loại thịt xiên nướng, bò viên, cá viên, tàu hũ pho mai, tôm cuộn, bánh tráng… giữa vỉa hè bụi bẩn, cạnh cống rãnh, khu tập kết rác thải. Không ai biết thực phẩm từ các xe hàng này có nguồn gốc từ đâu, hay dầu để chế biến thực phẩm được tái sử dụng bao nhiêu lần…
Những ẩn họa khó lường
Theo nhận định của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay, hình thức kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ngày càng phổ biến, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh tính tiện dụng, các quán hàng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi rất nhanh, nhất là với điều kiện bảo quản thực phẩm kém như khi bán hàng trên xe đẩy nơi vỉa hè, đường phố… Thêm nữa, nếu người bán không rửa tay sạch sẽ, không đeo găng tay, không giữ vệ sinh dụng cụ chế biến, nguy cơ vi khuẩn từ tay người, từ các dụng cụ nhiễm vào thực phẩm là khó tránh khỏi.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lo ngại, món ăn được bày bán ở quán hàng vỉa hè đa phần sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nếu người kinh doanh vì lợi nhuận, nhập các thực phẩm ôi thiu, hư hỏng, quá hạn sử dụng… rồi “phù phép” bằng việc tẩm ướp phụ gia, hóa chất, biến thực phẩm bẩn thành các món ăn có màu sắc, hương vị hấp dẫn thì rất nguy hiểm cho người sử dụng.
Cảnh báo này không phải không có cơ sở, khi trên thực tế ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15-4 đến 15-5), các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ thực phẩm bẩn với số lượng lớn chuẩn bị tuồn ra thị trường. Cụ thể, chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã phát hiện, bắt giữ 9 vụ buôn bán thực phẩm bẩn. Như ngày 5-5, kiểm tra điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm tại Km12, đường Ngọc Hồi (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì), lực lượng chức năng phát hiện hơn 7 tấn trứng non, nầm lợn, tràng lợn đông lạnh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, vào đêm 28-4, khi kiểm tra đột xuất 3 kho đông lạnh tại thôn Bái Đô (huyện Phú Xuyên), các cơ quan chức năng phát hiện 10 tấn nội tạng trâu, bò đang có dấu hiệu hư hỏng, chảy nước, bốc mùi hôi thối…
Nếu không được kịp thời phát hiện và thu giữ, những loại thực phẩm này sẽ được tung ra thị trường, phân phối đến các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các quán ăn vỉa hè, hướng tới những đối tượng tiêu dùng có điều kiện tài chính hạn chế, lại chưa có ý thức cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Như vậy, hậu quả mà thực khách và xã hội phải gánh chịu thật khó lường.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.