(HNM) - Trong các tháng cuối năm 2016, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác. Làm thế nào để khắc phục điệp khúc
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung, để thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của các dự án luật trình Quốc hội, nhiều khi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phải chạy theo cơ quan soạn thảo dự án luật để tìm xem dự án đang ở đâu và đến giai đoạn nào rồi...
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh một số luật chưa sát thực tiễn. Ảnh: Nhật Nam |
Không chỉ dừng ở mức rút kinh nghiệm
Thực tế cho thấy, ngay khâu đầu tiên trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thường đã không đúng tiến độ nên ảnh hưởng đến những khâu sau. Bằng chứng là có những dự án luật được chuẩn bị sơ sài, mang tính hình thức, thậm chí là tổng hợp thông tin một cách cơ học. Việc gửi hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra cũng thường chậm. Hệ quả là không ít dự án luật sát đến thời điểm chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì các ủy ban của Quốc hội mới được thẩm tra, vì lúc đó hồ sơ mới chuyển sang, kéo theo việc nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng rất bị động về thời gian.
Trong chương trình tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội ghi nhận khá nhiều ý kiến cử tri không đồng tình khi một số đạo luật chưa phản ánh sát yêu cầu cuộc sống, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật ban hành chậm, một số dự án không bảo đảm tiến độ, chất lượng hạn chế. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải điều chỉnh nhiều lần, công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ. Cử tri huyện Ba Vì, Thạch Thất, quận Cầu Giấy cho rằng, việc đưa vào chương trình rồi lại xin rút cho thấy quyết tâm thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua chưa đạt yêu cầu và đề nghị Quốc hội có biện pháp khắc phục triệt để những tồn tại, không thể chỉ dừng ở mức rút kinh nghiệm.
Gắn trách nhiệm để nâng cao chất lượng
Trong chương trình các tháng cuối năm 2016 có 18 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan trình, các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra từ năm 2015 rà soát lại. Trong đó có 3 dự án luật được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 đang được các cơ quan phối hợp tiếp thu, chỉnh lý… để trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ hai tới. Cho rằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 có nhiều điểm mới. Trong đó lần đầu tiên, quy trình xây dựng chính sách được tách bạch với quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, là tiền đề chấm dứt tình trạng vừa thiết kế, vừa thi công đã tồn tại nhiều năm nay. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, để đáp ứng yêu cầu đổi mới quy trình làm luật của cử tri, bắt đầu từ kỳ họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV nên cho phép công bố trước Quốc hội danh sách những cơ quan trình chậm tiến độ trong việc gửi hồ sơ, tài liệu.
Ủng hộ đề nghị này, luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, biện pháp khả thi nhất, trước hết, đó là phải đề cao và siết chặt kỷ luật lập pháp. Song công khai thông tin thôi chưa đủ. Luật sư Cao Minh Vượng phân tích, để nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của Ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh, tránh tình trạng đơn vị trình nhường trách nhiệm cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội việc xây dựng thể chế, chính sách sau khi dự án luật đã sang các cơ quan của Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng khâu… Bước tiếp theo là cần làm rõ hơn nữa chế tài áp dụng khi cơ quan chủ trì soạn thảo, ban soạn thảo, tổ biên tập, nhất là các bộ trưởng, trưởng ngành chậm xây dựng luật hoặc xây dựng luật không khả thi. Thậm chí, Quốc hội có thể thành lập bộ phận chuyên sâu theo dõi tiến độ, nghiên cứu các dự án luật. Có như vậy mới có cơ sở thực hiện thành công Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ khóa mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.