(HNMO) - Móc ngoặc, thông đồng, dìm giá, cò mồi, cạnh tranh không lành mạnh xảy ra không chỉ trong việc đấu giá quyền sử dụng đất mà còn cả trong lĩnh vực đấu thầu. Có hiện tượng các địa phương cứ ra văn bản trái pháp luật, Bộ Tư pháp cứ “tuýt còi, nhưng người đứng đầu vẫn
Ảnh VGPNEWS |
Nguyên nhân ở khâu thực thi pháp luật
Vấn đề chính ở đây là thực thi pháp luật không nghiêm. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi trả lời về tình trạng tiêu cực trong hoạt động bán đấu giá tài sản (BĐGTS). Bởi theo quy định của Chính phủ, trong Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về BĐGTS, việc triển khai đòi hỏi rất minh bạch theo trình tự quy định khá chặt chẽ. Nếu trước đây, việc này được giao cho nhiều tổ chức thực hiện (Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, cấp tỉnh) nên dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở: không có đấu giá viên chuyên nghiệp, trách nhiệm của người bán đấu giá chưa được quy định rõ. Nhưng nay việc BĐGTS, nhất là tài sản công, trong đó có quyền sử dụng đất đã được tổ chức qua các đơn vị đấu giá chuyên nghiệp để bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học. Theo văn bản này, các đơn vị, cá nhân có phương án sử dụng hiệu quả, phù hợp với quy hoạch đều có thể được sử dụng đất tại các vị trí thuận lợi.
Tuy nhiên, dù đã có “cây gậy 17” nhưng trên thực tế thị trường bất động sản của Việt Nam hiện vẫn lên xuống thất thường, không tuân theo quy luật nào. Móc ngoặc, thông đồng, dìm giá, cò mồi, cạnh tranh không lành mạnh xảy ra không chỉ trong việc đấu giá quyền sử dụng đất mà còn cả trong lĩnh vực đấu thầu. Có hiện tượng này còn là do lách luật, thiếu giám sát. Cụ thể, một số văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 17 còn chưa được ban hành; nhiều cơ quan tổ chức cố tình thông đồng, dìm giá, “cò mồi”, cạnh tranh không lành mạnh, khiến quy định BĐGTS như con dao hai lưỡi. Ví dụ một số doanh nghiệp có chính sách chi “hoa hồng” cho người có tài sản bán đấu giá, trong khi trung tâm BĐGTS của Nhà nước thì không làm được, dẫn đến những người có tài sản sẽ lựa chọn doanh nghiệp bán đấu giá thay vì Trung tâm BĐGTS. Do đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, thời gian tới, vẫn cần những chế định hết sức chặt chẽ nhằm ràng buộc trách nhiệm của người tham dự đấu giá và tổ chức thực hiện, không để họ tạo ra những cơn sốt ảo về giá.
Bộ Tư pháp tuýt còi - địa phương “bình chân như vại”
Hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả thông qua hợp đồng có công chứng xảy ra trong thời gian qua cũng được nhiều người dân quan tâm trong buổi giao lưu. Người đứng đầu ngành tư pháp cho biết: Giấy tờ (chủ yếu là sổ đỏ) có thể bị làm giả, do một số trường hợp công chứng viên nghiệp vụ còn non kém, lại chưa có máy móc hiện đại để phát hiện. Ngoài ra, do sự kết nối thông tin giữa các văn phòng công chứng với các văn phòng đăng ký sử dụng đất chưa thông suốt, kịp thời nên đối tượng lừa đảo đã lợi dụng để mang giấy tờ giả đi công chứng.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ Tư pháp đã đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định theo hướng tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức hành nghề công chứng với các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức bán đấu giá tài sản để đảm bảo sự kết nối dữ liệu thông tin.
Về hiện tượng các địa phương cứ ra văn bản trái pháp luật, Bộ Tư pháp cứ “tuýt còi, nhưng người đứng đầu vẫn bình chân như vại không ít độc giả nêu, đồng chí Hà Hùng Cường giải thích: "Do một số địa phương đơn vị trong một số trường hợp vẫn thấy rằng lý lẽ của họ là đúng hơn biện luận của Bộ Tư pháp”. Thái độ cố chấp ấy đã ảnh hưởng đến quyền lợi của không ít người dân. Đầu tháng 7 này, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương nói trên thực hiện nghiêm túc kiến nghị của Bộ Tư pháp. Trước câu trả lời trên, không ít người dân “bình luận”, việc xử lý văn bản trái pháp luật sau khi tuýt còi của Bộ Tư pháp như vậy là thiếu và yếu. Chính vì vậy, tình trạng nợ đọng đáp án xử lý đang tái diễn ở hầu hết các lĩnh vực, từ văn hóa đến kinh tế, xã hội nhiều năm nay, chưa thấy lãnh đạo địa phương nào bị kỷ luật. Ví dụ điển hình nhất là Nghị quyết số 23/2010/NQ-HĐND ngày 23/12/2011 của HĐND TP Đà Nẵng có chủ trương tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới tại TP Đà Nẵng đã ngăn cản quyền lợi hợp pháp của công dân, không đúng với hướng dẫn của Luật Cư trú;quy định học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày vừa sai (theo Nghị định 34 của Chính phủ thời gian tạm giữ là 10 ngày), vừa không đúng thẩm quyền. Từ phản ánh của báo chí và nhiều nguồn thông tin khác, Bộ Tư pháp đã vào cuộc. Nhưng tới nay là gần 5 tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp có công văn yêu cầu xử lý, địa phương này vẫn không có bất kỳ động thái sửa sai nào. Người ra văn bản vẫn bình chân như vại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.