(HNM) - Nếu như thời điểm đầu năm, nhiều tổ chức không do dự khi đưa ra dự báo, năm 2016 tỷ giá sẽ tăng 4-5% so với năm 2015 thì trong những tháng cuối năm này mức dự báo được kéo xuống chỉ còn 1-3%. Vậy, doanh nghiệp (DN) đã có thể yên tâm với diễn biến của tỷ giá, hay vẫn cần cảnh giác?
Tỷ giá đồng USD đã có thời gian dài ổn định.Ảnh: Khánh Huy |
Trong biên độ cho phép
Không có quá nhiều "chìm nổi", nếu có biến động cũng chỉ "nóng" trong vài ngày, tỷ giá đã có thời gian dài bình ổn. Giờ đây, tỷ giá không còn là nỗi ám ảnh với những DN, đặc biệt là DN xuất - nhập khẩu. Vào thời điểm những tháng cuối năm ngoái, không ít DN "dở khóc, dở cười" trước những "cơn sốt" của tỷ giá khi nó từng ngày leo thang đến mức chóng mặt, khiến cho không ít hợp đồng không thể có lợi nhuận vì phải bù cho phần chênh lệch của tỷ giá.
Nhưng, trong năm 2016, có vẻ như tỷ giá đã ổn hơn. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường ngoại tệ từ đầu năm đến nay diễn biến tích cực, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm và tương đối ổn định trên mặt bằng mới với tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN (22.300 VND/USD). Thanh khoản thị trường tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và DN được đáp ứng, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống tổ chức tín dụng đã mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế, nhờ đó NHNN có lượng lớn ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối nhà nước.
Trong hơn nửa đầu tháng 8, tỷ giá được niêm yết tại các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 22.260 VND/USD (mua vào) - 22.330 VND/USD (bán ra). Trước đó, có những thời điểm tỷ giá tăng, nhưng vẫn chỉ trong biên độ cho phép của NHNN; thời gian biến động không dài, chỉ trong vài ngày, sau đó thị trường "hạ nhiệt" nhanh chóng. Người dân thay vì đổi hết tiền VND sang USD để tích trữ đã chuyển sang gửi tiết kiệm bằng tiền VND vì lãi suất USD vẫn duy trì ở mức 0% trong khi lãi suất VND có thể lên 8%/năm. Sự thờ ơ của người dân đối với USD khiến thị trường tự do không có cơ hội hoạt động, nhờ đó giá USD ngoài thị trường chỉ ngang bằng giá niêm yết của các ngân hàng thương mại, nếu có cao hơn cũng chỉ vài VND/USD.
Nhiều yếu tố thuận lợi cho điều hành
Vậy tỷ giá những tháng cuối năm có "nóng"? Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank: NHNN điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm, nên tỷ giá sẽ luôn xoay quanh giá thị trường. "Cầu" thanh toán tiền hàng hóa cuối năm sẽ tăng, đòi hỏi nguồn "cung" tăng theo cầu, vì vậy tỷ giá thường biến động tăng, nhưng cuối năm nay sẽ theo hướng không có biến động lớn.
Lý do là việc điều hành tỷ giá trung tâm đã loại bỏ dần tâm lý kỳ vọng vào sự tăng giá của ngoại tệ, cũng như thói quen mua USD để tích trữ. Ngoài ra, lượng kiều hối về Việt Nam vào những tháng cuối năm thường tăng cao, nên "cung" ngoại tệ dư dả. Thêm vào đó, NHNN đang có nguồn ngoại tệ dồi dào để dự trữ nên có thể can thiệp khi cần thiết. Có thể NHNN sẽ có các biện pháp thu hút tiền gửi ngoại tệ trôi nổi ngoài dân để có thêm nguồn ngoại tệ mạnh phục vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như có thêm điều kiện thuận lợi cho việc điều hành tỷ giá.
Đại diện Công ty Chứng khoán VCBS lại nhận định, trong những tháng đầu năm 2016, tỷ giá USD/VND và thị trường ngoại hối ổn định, chỉ có một vài thời điểm "nóng" nhưng không kéo dài. Giá bán tại nhiều ngân hàng thương mại giảm khoảng 200 đồng (1%) so với thời điểm cuối năm 2015. Rủi ro tỷ giá đã giảm so với giai đoạn cuối năm 2015. Những biện pháp và quy định mới trong việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối của NHNN như hạ lãi suất USD, áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm hằng ngày đã phát huy tác dụng trong việc bình ổn thị trường.
VCBS đã hạ dự báo về việc giảm giá của VND so với USD xuống mức 1-3% trong năm 2016, thay vì mức 4-5%. Diễn biến của nền kinh tế trong nước vẫn ủng hộ cho sự ổn định của tỷ giá, đặc biệt là khi NHNN đã mua thêm khoảng 8 tỷ USD để củng cố dự trữ ngoại hối, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng tích cực. Tuy nhiên, vẫn cần phải lưu tâm tới những áp lực đến từ thị trường thế giới, vì nền kinh tế nước ta nhỏ nhưng có độ mở lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.