Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở y tế áp dụng mức viện phí mới: Có sự “té nước theo mưa”?

Hà Hải| 06/08/2012 06:22

(HNM) - Sáng 1-8, 15 ngày sau khi Bệnh viện Bạch Mai áp dụng giá viện phí mới, loay hoay mãi đến 9 giờ chị Nguyễn Thị Hằng ở Thanh Trì, Hà Nội mới nhận được số thứ tự và phải xếp hàng tới gần 11 giờ trưa mới đến lượt vào khám.


Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, PGĐ Bệnh viện Bạch Mai, riêng Khoa Khám bệnh của bệnh viện mỗi ngày có 2.200-2.500 bệnh nhân, từ khi áp dụng viện phí mới, bệnh viện đã đầu tư 20 tỷ đồng để nâng số buồng khám tại khoa lên gấp đôi nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nổi so với nhu cầu.

Chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện

Để áp dụng được mức giá mới, theo quy định, khu khám bệnh của bệnh viện yêu cầu phải có đủ ghế ngồi cho bệnh nhân và người nhà, có quạt, có mái che nắng mưa. Mặc dù Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng khung giá viện phí mới (lên tới 95% khung viện phí được liên Bộ Y tế - Tài chính cho phép) từ nửa tháng nay nhưng khu khám bệnh vẫn đang trong quá trình hoàn tất vì thế nên người bệnh, người nhà vẫn phải ngồi ở lối đi, trên sàn nhà, thậm chí ngoài trời, để chờ khám hoặc nhận kết quả xét nghiệm. Ông Nguyễn Ngọc Hiền cho biết: "Dù đã giảm được trung bình 2 giờ chờ đợi/bệnh nhân nhưng số lượng người đến khám vẫn tăng nhanh, số lượng phòng khám mở ra vẫn không giúp loại bỏ tình trạng quá tải. Vì vậy, nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc tới 8-9 giờ tối để bệnh nhân khỏi phải chờ đợi đến ngày hôm sau".


Sử dụng dao Gamma quay điều trị cho bệnh nhân u não tại Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế). Ảnh: Hữu Oai


Cơ sở vật chất chưa thể thay đổi, nâng cấp trong khi giá dịch vụ y tế đã tăng, đó cũng là vấn đề gây bức xúc ở Bệnh viện K. Là bệnh viện đầu ngành ung bướu, mức độ quá tải vào hàng nhất nước nên không lạ khi đã áp dụng viện phí mới 10 ngày nay mà bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn phải chịu cảnh nằm giường xếp ở hành lang, thậm chí nằm và sinh hoạt ở chiếu nghỉ bệnh viện. Theo thông báo của bệnh viện, dự kiến vào ngày 15-8 tới cơ sở mới của bệnh viện sẽ đi vào hoạt động nhưng 500 giường bệnh mới có lẽ chưa thấm vào đâu so với số lượng bệnh nhân đang ngày một tăng.

Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), chất lượng dịch vụ là một trong những vấn đề mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam rất quan tâm. "Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tăng cường giám sát chất lượng thuốc, vật tư, chất lượng điều trị để bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân" - ông Phúc nói. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là hầu hết các bệnh viện tính cơ cấu giá dịch vụ ở mức cao nhưng điều kiện thiết bị y tế lại chưa có gì đáng kể, dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với giá viện phí cao. Như tỉnh Lào Cai, dự trù mỗi ca khám bệnh tiêu hao 0,7 kWh điện nhưng phòng khám ở tỉnh lại không có thiết bị gì tiêu hao điện năng đến mức ấy. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Tỉnh ủy Lào Cai đề nghị chỉ đạo các cơ quan tham gia tính giá viện phí hợp lý, nhưng quan điểm của Sở Tài chính và Sở Y tế Lào Cai lại muốn giữ phương án giá cao.

Nhiều khoản bất hợp lý

Đến cuối tuần qua đã có 46 địa phương thông qua giá viện phí mới, một số nơi bắt đầu áp dụng mức giá mới từ ngày 1-8 (riêng tỉnh Bắc Ninh áp dụng từ ngày 10-6 ở mức 84% giá khung cho phép). Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn trong số 17 địa phương chưa thông qua khung giá viện phí mới. Tại Hà Nội, Sở Y tế dự định áp dụng từ 73 đến 86% giá khung cho phép tùy hạng bệnh viện, nhưng các sở, ngành liên quan chưa thống nhất và dự định sẽ xây dựng khung giá chi tiết hơn, mạch lạc hơn để trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét vào dịp cuối năm 2012.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, trong số 46 tỉnh, thành đã thông qua giá viện phí mới, có 50% số tỉnh, thành phố áp dụng viện phí mới mức dưới 75% khung, số còn lại chủ yếu áp dụng dưới 85% khung. Theo ông Sơn, các địa phương áp dụng trên 90% khung đều có cơ cấu giá chưa phù hợp. Với mức giá áp dụng trên 90% khung cho phép, đa số dịch vụ trong tổng số 447 dịch vụ điều chỉnh giá sẽ tăng ở mức 2-10 lần so với hiện hành. Điều này tạo gánh nặng cho người dân, đặc biệt là nhóm cận nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 7 triệu người).

Để giá viện phí phù hợp với điều kiện và mức độ cung cấp dịch vụ của bệnh viện cũng như khả năng chi trả của người dân hiện nay, ông Phạm Lương Sơn cho rằng các địa phương chỉ nên áp dụng khoảng 70% khung là phù hợp. Bệnh viện tuyến trung ương thì tùy điều kiện xem xét, nhưng có thể áp dụng trên 90% khung. Thực tế thời gian qua cho thấy, một số bệnh viện áp mức giá cao trong khung đã đưa vào cơ cấu giá những chi tiết rất vô lý. Điển hình như tỉnh Cao Bằng tính dịch vụ điều trị laser (vốn không dùng kim) gồm cả 18 cái kim dùng một lần. Tại Huế, mặc dù giá trần/lượt khám bệnh viện tuyến trung ương là 20.000 đồng nhưng cơ cấu giá mà Bệnh viện TƯ Huế xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lên đến 43.000 đồng/lượt khám. Giá các dịch vụ siêu âm, nội soi… tại bệnh viện này cũng có nhiều chi tiết không phù hợp, cụ thể như đề xuất một lần siêu âm nội soi cần đến 9 găng tay, 7 mũ, 7 khẩu trang. Sự tính toán không hợp lý, rất lãng phí này làm đội giá viện phí, tạo thêm gánh nặng cho người bệnh.

Từ thông tin của người "trong cuộc", có thể thấy công tác giám sát việc điều chỉnh viện phí cần phải được đẩy mạnh hơn nhằm loại bỏ hành vi "té nước theo mưa", làm khổ bệnh nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở y tế áp dụng mức viện phí mới: Có sự “té nước theo mưa”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.