(HNMO) - Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 bằng dự án Luật Cảnh sát cơ động. Đây sẽ là cơ sở pháp lý, thực tiễn quan trọng để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phức tạp trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động so với các nội dung được quy định tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013.
Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cao với sự cần thiết phải xây dựng và ban hành luật về Cảnh sát cơ động để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của lực lượng này nhằm bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực tế cho thấy, những năm qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động ảnh hưởng trực tiếp an ninh, trật tự tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, các thế lực thù địch từ bên ngoài tiếp tục câu kết các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, cực đoan ở trong nước triệt để lợi dụng các vấn đề xã hội làm nảy sinh dư luận và bức xúc trong nhân dân để hoạt động chống phá Việt Nam. Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, hình sự, tội phạm sử dụng công nghệ cao; các vấn đề xã hội phát sinh do sự bùng phát và hậu quả của dịch Covid-19... vẫn là thách thức lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự của Cảnh sát cơ động.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhận định, quốc gia nào cũng có lực lượng đặc nhiệm để giải quyết những tình huống đặc biệt. Các thành viên tham gia lực lượng này có tố chất đặc biệt, được cơ chế tuyển chọn, huấn luyện, bồi dưỡng, trang bị phương tiện đặc biệt và cần được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt.
Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền điều động lực lượng Cảnh sát cơ động trong Pháp lệnh chưa bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với tương quan lực lượng Cảnh sát cơ động ở trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 chưa có quy định về cơ chế phối hợp, chỉ huy, chỉ đạo khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là các vụ việc phức tạp phải điều động lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường cho các địa phương…
Trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, bổ sung 2 quyền hạn cho Cảnh sát cơ động.
“Việc xây dựng các quy định quyền hạn của Cảnh sát cơ động nêu trong dự thảo Luật trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật có liên quan bảo đảm chặt chẽ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh nói.
Dự thảo Luật cũng không quy định cụ thể phạm vi, không gian hoạt động của Cảnh sát cơ động nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong việc điều động, sử dụng Cảnh sát cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đối với quy định Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự trong dự thảo Luật được kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và thực tiễn trong những năm qua khi công tác tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động đã phát huy cao hiệu quả trong bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước, kịp thời phát hiện, khống chế, xử lý các hành vi phạm pháp, góp phần răn đe, thị uy các đối tượng phạm tội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã xác định, Cảnh sát cơ động là một trong các lực lượng thuộc Công an nhân dân được ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại.
Dự thảo Luật đã quy định Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, máy bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đáng chú ý, về việc trang bị máy bay, tàu thuyền cho Cảnh sát cơ động trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh, không phải chính sách mới.
Tại phiên họp thứ tám (tháng 2-2022), cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động, cơ bản các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các nội dung dự thảo luật.
Theo đó, quá trình tiếp thu đã bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về chiến lược an ninh quốc gia về xây dựng lực lượng Công an nhân dân; trong đó có ưu tiên xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến lên hiện đại, đề cập sâu yêu cầu lãnh đạo tập trung và chỉ huy thống nhất và bước đầu rà soát tính hợp hiến, hợp pháp của luật với các văn bản luật khác.
Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV (tháng 5-2022).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.