(HNM) - Từ 15h ngày 21-7, liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá các mặt hàng xăng, dầu, với mức giảm khá sâu, từ 1.099 đồng đến 3.605 đồng/lít. Các mặt hàng chính như xăng E5 RON92 không cao hơn 25.073 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 26.070 đồng/lít. Như vậy, giá xăng, dầu trong nước đã có lần giảm giá thứ 3 liên tiếp, kể từ khi lập mức “đỉnh” xấp xỉ 33.000 đồng/lít xăng RON95-III ngày 21-6, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới đi xuống và mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này giảm xuống mức sàn theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc giá xăng, dầu “hạ nhiệt” không chỉ giúp người tiêu dùng giảm bớt gánh nặng chi tiêu, mà còn là cơ sở để kỳ vọng giúp giá cả nhiều loại hàng hóa giảm theo. Bởi, xăng, dầu là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất, tác động đến giá sản phẩm, dịch vụ (ước tính xăng, dầu chiếm 3,5% tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế). Thực tế, trong những tháng đầu năm 2022, giá xăng, dầu “leo thang” đã tác động mạnh đến giá thành sản xuất và tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 6-2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng hóa, ở mức 21,41%, chủ yếu do giá xăng, dầu tăng tới 61,62%, làm CPI tăng 2,07%.
Sự kỳ vọng của người dân là rất lớn, bởi thực tế giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, không chỉ nằm ở con số thống kê, mà đã trực tiếp tác động đến đời sống của người dân. Người dân phải suy tính kỹ hơn mỗi khi chi tiêu, hạn chế mua sắm để ưu tiên cho chi phí sinh hoạt hằng ngày. Hơn 2 năm xảy ra dịch Covid-19 làm cho người lao động gặp vô vàn khó khăn, nay thêm giá cả hàng hóa "leo thang" khiến việc phục hồi chậm lại. Tất nhiên, yêu cầu mặt bằng giá cả hàng hóa chung giảm ngay lập tức là rất khó, vì hiệu ứng giảm giá xăng, dầu cần có thời gian và giá cả nói chung còn chịu tác động từ nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng mong rằng, từ 3 đợt giảm giá xăng, dầu, doanh nghiệp, nhà sản xuất, đơn vị cung ứng dịch vụ có thể tính toán lại chi phí đầu vào cấu thành giá cả hàng hóa, dịch vụ. Giá hàng hóa, dịch vụ từng được lý giải tăng theo giá xăng, dầu thì đương nhiên cũng sẽ giảm theo giá xăng, dầu.
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, nhà sản xuất, đơn vị cung ứng dịch vụ, rất cần cơ quan quản lý chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi nâng giá bất hợp lý, trái với quy luật thị trường; kiểm tra, giám sát việc tính toán chi phí cấu thành giá hàng hóa thiết yếu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Với 3 đợt giảm giá xăng, dầu, có lẽ CPI trong tháng 7 sẽ không tăng cao như tháng 6, thậm chí có thể giảm nhẹ. Vì vậy, người tiêu dùng cần CPI giảm không chỉ là con số thống kê mà còn là tác động tích cực, kịp thời đến thu nhập, đời sống của người dân.
Giảm giá xăng, dầu để kiềm chế lạm phát, bảo đảm dân sinh, phục hồi kinh tế - xã hội cũng là mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Sau thuế môi trường, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng, dầu để ổn định mặt bằng giá chung. Cùng với đó, các bộ, ngành cần tiếp tục theo dõi tình hình, chủ động điều hành giá xăng, dầu phù hợp, đồng thời bảo đảm nguồn cung xăng, dầu không bị gián đoạn khi nhu cầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.