(HNM) - Theo thống kê của Cục Quản lý công sản (QLCS) Bộ Tài chính, hiện có khoảng hơn 20 nghìn xe công được các đơn vị sử dụng theo luật định. Mặc dù từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chuẩn quy định việc mua sắm và sử dụng xe công, song tình trạng sắm xe vượt mức cho phép, sử dụng xe sai mục đích, sai tiêu chuẩn vẫn diễn ra ở nhiều đơn vị.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục QLCS (Bộ Tài chính) cho biết, có sai phạm trong việc mua sắm, quản lý và sử dụng xe công, song việc xử lý không hề đơn giản.
- Được biết, từ năm 1999 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về việc quản lý xe công. Xin ông cho biết rõ hơn về quy định này?
- Xe công là phương tiện của Nhà nước trang bị cho các cơ quan, đơn vị do Nhà nước quản lý. Từ năm 1999 đã hình thành tiêu chuẩn định mức về xe công, nêu rõ: cấp nào được đi xe công, xe công được mua với giá bao nhiêu. Năm 2007, Thủ tướng có Quyết định 59/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Theo đó, những cá nhân được sử dụng xe công là người có chức danh lãnh đạo và có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 trở lên. Ngoài ra, một số cơ quan chuyên ngành được trang bị các loại xe công chuyên dùng, như xe cấp cứu, cứu hỏa, chở tiền… cũng là xe công, song những loại xe này chỉ dùng vào mục đích nhất định nên không gắn liền với các chức danh.
- Được biết, tình trạng sử dụng xe công sai mục đích diễn ra khá phổ biến. Cục QLCS có biết và nắm rõ số lượng sai phạm?
- Hiện nay, có nhiều cơ quan, đơn vị mua sắm, sử dụng xe công sai quy định. Có ba hình thức sai phạm phổ biến: Thứ nhất, sử dụng xe sai tiêu chuẩn. Thứ hai, mua xe quá mức giá cho phép. Thứ ba, sử dụng xe công không đúng việc công. Tuy nhiên, sai phạm trên thực tế không quá lớn. Bởi theo quy định, mua xe công phải qua kiểm duyệt của Kho bạc Nhà nước, nên nếu đơn vị nào sắm xe sai quy định sẽ bị chặn ngay. Tuy nhiên, trên thực tế có một vài trường hợp sai phạm trót lọt. Sai phạm mua xe vượt tiêu chuẩn phổ biến hơn, nhưng đa phần là do nguyên nhân khách quan. Ví dụ, có những giám đốc sở lại sử dụng xe công trị giá tới 800 triệu đồng, song trường hợp này thường là xe từ dự án chuyển mục đích sử dụng. Những xe này tuy giá trị cao hơn chuẩn quy định, nhưng là do đơn vị được cấp phát về. Sai phạm sử dụng xe công để đưa đón việc riêng, lễ chùa, hội họp… phổ biến hơn cả. Hiện chúng ta có hệ thống thông tin đại chúng rất nhanh, nên nếu sai phạm này xảy ra thường bị phản ánh ngay. Thêm vào đó Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cũng làm rất chặt, do đó hiện tượng này đã giảm nhiều so với thời gian trước.
- Vậy những sai phạm trong việc sử dụng xe công sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo Quyết định 59, Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cá nhân, tổ chức làm thiệt hại của công phải bồi thường. Việc mua sắm, sử dụng xe công sai quy định cũng thuộc trường hợp này. Nhưng trên thực tế, chủ yếu chúng ta chỉ ngăn chặn sai phạm còn không phải trường hợp nào cũng dễ xử lý. Đơn cử, một trường hợp theo quy định, lãnh đạo được trang bị xe trị giá 800 triệu đồng, họ lại mua xe chênh hơn 30 triệu đồng. Khi phát hiện sai phạm, nếu thu hồi và buộc thanh lý ngay có khi chỉ thu được 700 triệu đồng để mua xe khác. Lúc đó Nhà nước sẽ thiệt hại hơn số 30 triệu đồng chi sai nguyên tắc. Vì vậy, sai phạm kiểu này mặc dù vẫn phải xử lý, nhưng cần phải cân nhắc.
- Theo ông, việc Công ty CP Bia Sài Gòn Bình Tây sắm "siêu" xe Bentley trị giá hơn 5 tỷ đồng cho lãnh đạo sử dụng có sai phạm không? Nếu sai phạm sẽ xử lý thế nào? Sai phạm trong lĩnh vực mua sắm và sử dụng xe công khá phổ biến có phải do luật lỏng lẻo?
- Cục QLCS chưa được báo cáo chính thức về việc này. Song chủ quản của chiếc xe này là một đơn vị trực thuộc Bộ Công thương. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ kiểm tra cụ thể và có kết luận. Cơ quan công an cũng phải làm rõ việc cấp biển xanh cho chiếc xe đó. Trường hợp này nếu có sai phạm sẽ phải xử lý theo quy định.
Theo tôi, khi nhiều sai phạm xảy ra trên một lĩnh vực nào đó phải khẩn trương rà soát lại chính sách xem có lỗ hổng ở đâu. Đơn cử, Quyết định 59 cũng đã bộc lộ những điểm bất cập. Chẳng hạn, quy định về việc thay thế xe, mức giá mua xe hiện đã không còn phù hợp, vì vậy Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cho phép điều chỉnh phù hợp với thực tế. Ngoài ra, quy định về việc các đơn vị phải thỏa thuận định mức và giá xe công với Bộ Tài chính sẽ được đề xuất bỏ để tránh các thủ tục không cần thiết.
- Cục QLCS có vai trò tư vấn chính sách cho Chính phủ trong việc quản lý tài sản công. Theo ông, chúng ta cần làm gì để quản lý xe công hiệu quả?
- Tôi cho rằng chính sách nên bám sát thực tế và thường xuyên cập nhật mới đem lại hiệu quả cao. Trong lĩnh vực quản lý xe công, nên cập nhật kịp thời quy định về giá xe cho phù hợp, nơi nào thiếu và cần xe công thực sự mới trang bị… Chúng tôi đang xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công. Hơn 20.000 chiếc xe công hiện nay sẽ được thống kê chi tiết về số lượng, biển số xe, năm sản xuất, giá, giá trị hiện nay...
Theo quy định, chúng tôi phải báo cáo số liệu về tài sản công cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Trừ các số liệu về lĩnh vực quốc phòng, an ninh còn lại sẽ được công bố rộng rãi. Tôi cho rằng mỗi CBCNV đều có quyền biết được cơ quan của mình đang quản lý, sử dụng bao nhiêu xe công, sử dụng xe công như thế nào...
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.