Khi cổ phần hóa đại học công lập, chúng ta cần xem xét ai sẽ nắm giữ cổ phần chi phối. Nếu bán hết cổ phiếu thì sẽ dùng tiền vào mục đích nào.
Hiện nay, cả nước có khoảng 360 trường đại học, cao đẳng công lập. Mặc dù được Nhà nước ưu tiên giao đất đai, đầu tư về cơ sở vật chất nhưng nhiều trường hoạt động hiệu quả chưa cao, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và huy động thêm các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học, mới đây một số Bộ đã có quyết định phê duyệt danh sách một số cơ sở đào tạo sẽ thực hiện cổ phần hóa. Đây được coi là bước khởi đầu trong lộ trình thực hiện cổ phần hóa các trường đại học công lập.
Vì sao chúng ta lại phải nghĩ tới cổ phần hóa đại học công lập? Xung quanh vấn đề này, phóng viên phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Văn Áng (Bộ GD-ĐT).
PV: Chủ trương cổ phần hóa các trường đại học công lập đã được một số Bộ đưa ra. Theo ông, khi cổ phần hóa, các trường đại học sẽ được những gì?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Việc cổ phần hóa các trường đại học công lập là một chủ trương cần hướng tới nhằm huy động thêm các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục.
Tuy nhiên, cổ phần hóa trường đại học công lập không chỉ để huy động thêm nguồn lực tài chính ngoài ngân sách cho giáo dục đại học, mà quá trình này sẽ còn kéo theo sự thay đổi mô hình tổ chức cũng như cơ chế hoạt động của nhà trường sau cổ phần hóa.
Để tồn tại và phát triển, các trường sau cổ phần hóa sẽ phải năng động hơn trong cạnh tranh, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động. Những tác động đó, dù trên góc độ của nhà trường hay trên góc độ xã hội đều là tích cực.
PV: Việc cổ phần hóa các trường đại học có làm thay đổi vai trò của Bộ Giáo dục-Đào tạo không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Việc quyết định cổ phần hóa một số trường đại học công lập không làm thay đổi vai trò quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường công lập được cổ phần hóa sẽ hoạt động theo khung khổ pháp lý hiện hành như các trường tư thục.
Bộ GD-ĐT vẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo đối với những trường được cổ phần không khác gì những trường công lập và tư thục hiện nay, cùng theo một tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng tối thiểu chung. Ví dụ như số sinh viên/giảng viên, diện tích phục vụ trực tiếp cho đào tạo tính trên một sinh viên.
Theo tinh thần của Luật giáo dục đại học, công tác quản lý về giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có sự khác biệt giữa các loại hình trường đại học.
Ai sẽ nắm giữ cổ phần chi phối?
PV: Xin ông cho biết những vấn đề đáng lo ngại khi cổ phần hóa các trường đại học?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Thứ nhất, việc cổ phần hóa các trường đại học không phải dễ dàng bởi chưa chắc khi bán cổ phần đã thu hút được các nhà đầu tư mua, bởi không dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đặc biệt khi chúng ta định giá một trường học có giá từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng thì khó có nhà đầu tư chiến lược nào đủ sức đầu tư cùng lúc với số vốn lớn như vậy.
Nếu Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì chưa chắc sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng để đầu tư vì họ chưa chắc đã được quyết định được những vấn đề chiến lược của trường.
Thứ hai, khi thực hiện cổ phần hóa các trường đại học, một số người thường lo ngại xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ trường. Thực tế vấn đề này đã từng xảy ra ở một số trường đại học ngoài công lập, thậm chí ngay cả các trường đại học công lập cũng xảy ra. Tôi cho rằng điều đó cũng bình thường trong mỗi tổ chức.
Thứ ba, một số người lo ngại sau cổ phần hóa các trường sẽ chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà sao nhãng chất lượng đào tạo. Ta không thể phủ nhận mục tiêu của đầu tư là lợi nhuận.
Tuy nhiên, cũng cần khẳng định là quá trình tìm kiếm lợi nhuận không xấu, nếu quá trình đó tuân thủ các quy định của pháp luật. Hơn nữa, nếu quá trình đó đồng thời góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, thì việc cổ phần hóa không những không nên phản đối mà còn phải được ủng hộ.
Ngoài ra, chúng ta cần xem xét lợi nhuận là mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn của các nhà đầu tư khi mua cổ phần của các trường đại học được cổ phần hóa. Đầu tư trong giáo dục không thể tính đến lợi nhuận trong ngắn hạn.
Để các trường được cổ phần hóa có kinh phí trang trải cho các hoạt động chi thường xuyên thì phải mất thời gian từ 7 đến 10 năm sau. Đó là chưa kể đến khấu hao các tài sản cố định. Vì vậy, một cổ đông muốn có được lợi nhuận khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục thì phải cân nhắc trong thời gian dài hạn.
Chính vì lý do trên, các nhà đầu tư khi đóng góp vốn vào một trường đại học nào đó thì trước hết phải lo xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo, sau đó mới có thể có lợi nhuận.
Nói cách khác, lợi nhuận chỉ có được khi nhà trường có thương hiệu tốt. Còn nếu trường đại học được cổ phần hóa mà hoạt động theo kiểu “chụp giật” thì người học sẽ “quay lưng” lại với họ và nhà trường cũng sẽ bị đào thải theo quy luật của thị trường.
PV: Theo ông, lộ trình cổ phần hóa các trường đại học nên được thực hiện như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Không giống như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, việc cổ phần hóa các trường đại học công lập là một lĩnh vực mới và khá nhạy cảm nên cần thực hiện thí điểm, có tổng kết, đánh giá trước khi làm đại trà. Cách làm của mộ số bộ, ngành như vừa rồi là đúng mức.
PV: Tiền bán cổ phần nên dùng vào mục đích nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Khi đã thực hiện cổ phần hóa các trường đại học nên bán hết cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân. Số tiền mà Nhà nước thu được về có thể cân nhắc đầu tư cho các trường đại học khác đang hoạt ở những vùng, miền còn khó khăn.
PV: Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.