Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một “thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói…”

Hiền Phương| 25/01/2020 08:45

(HNM) - Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước, qua 21 năm trường kỳ, chúng ta đã giành Đại thắng mùa xuân năm 1975 - một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Năm tháng đã lùi xa nhưng ký ức về một thời trận mạc, về đồng đội, về ngày đầu tiên đất nước thống nhất vẫn in đậm trong tâm trí của những nhân chứng sống làm nên “thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời”…

Một thời và mãi mãi

Trải qua gần 20 năm chiến tranh đau thương, đất nước bị chia cắt, tình hình chiến trường cuối năm 1973 và nửa đầu năm 1974 có nhiều thuận lợi cho ta. Quân Mỹ rút đi theo tinh thần Hiệp định Paris làm cho quân đội Sài Gòn ngày càng suy yếu và bạc nhược. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã họp tháng 10-1974 và tháng 1-1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976. Ngoài kế hoạch này, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương dự kiến: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975 và Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Ngay lúc đó, một không khí “tất cả cho tiền tuyến” đã lan tỏa khắp miền Bắc cũng như các chiến trường…

Theo Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, hậu phương lớn miền Bắc đã động viên một nguồn nhân lực hơn 3 triệu người phục vụ chiến tranh (chiếm hơn 12% số dân miền Bắc), trong đó, gia nhập quân đội hơn 1,5 triệu người. Ở miền Bắc có tới hơn 70% số hộ gia đình có người thân chiến đấu trên các chiến trường; trên đồng ruộng, phụ nữ chiếm hơn 63% số lao động trực tiếp, để nam giới đi đánh giặc, cứu nước. Ngoài nhân lực, hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện cho miền Nam hơn 700.000 tấn vật chất, trong đó có hơn 180.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật... Năm 1975, tổng số nhân lực miền Bắc động viên theo nhu cầu quốc phòng chiếm tới 30% lực lượng lao động xã hội toàn miền; 60-65% trong số đó vào lực lượng vũ trang…

Trong câu chuyện nhắc nhớ về những năm tháng hào hùng ấy, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh xúc động cho biết: “Để kịp chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, những mạng đường vận tải chiến lược và chiến dịch dài hơn 20.000km, chạy dọc dải Trường Sơn đến tận vùng Đông Nam Bộ, sang cả đất bạn Lào, Campuchia và các chiến trường bảo đảm thông suốt. Một lượng rất lớn lương thực, vũ khí, xăng dầu, trang bị được vận chuyển vào chiến trường phục vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng cuối cùng”.

Không chỉ tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 bắt đầu, bộ đội Trường Sơn đã huy động nhiều lực lượng tham gia. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhớ lại: “Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, từ chiến dịch mở đầu giải phóng Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, lực lượng bộ đội Trường Sơn đã tăng cường, phối thuộc cho các chiến dịch 1 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn bộ binh, 4 trung đoàn công binh, 2 trung đoàn vận tải ô tô. 4 sư đoàn công binh thuộc Bộ Tư lệnh triển khai bảo đảm giao thông trên hai trục Đông - Tây Trường Sơn, các đường ngang và tuyến duyên hải được giải phóng, giúp cho đại quân đánh nhanh, tiến nhanh. Hai sư đoàn vận tải ô tô đã vận chuyển cho chiến trường 167.000 tấn vật chất kỹ thuật, đáp ứng kịp thời đạn, pháo lớn cho chiến dịch, đường ống cung ứng 8.000 tấn xăng dầu, sử dụng hàng nghìn lượt xe ô tô cơ động các quân đoàn chủ lực và vũ khí, khí tài hành quân thần tốc vào các vị trí tập kết trước thời gian quy định. Khi chiến dịch bắt đầu, một số trung đoàn vận tải ô tô đã tham gia đội hình chiến dịch, cơ động bộ đội chiến đấu nhanh chóng thọc sâu tiêu diệt địch. Lực lượng vận tải chiến lược đã trở thành lực lượng cơ giới hóa bộ binh trong chiến dịch tiến công, góp phần quan trọng thực hiện phương châm “thần tốc, táo bạo”, giành thắng lợi trong thời gian nhanh nhất”.

Những đóng góp của bộ đội Trường Sơn hết sức quan trọng, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh lớn lao của cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân hai miền Nam - Bắc làm nên chiến thắng ngày 30-4-1975, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Khoảnh khắc tự hào

45 năm đã trôi qua, kỷ niệm chiến trường trong tâm khảm của những người làm nên chiến thắng năm xưa không chỉ là đói, rét, bệnh tật, mất mát, hy sinh… mà ký ức ấy còn là những giờ phút hào hùng chứng kiến và trực tiếp cùng đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ông Lê Văn Phượng (hiện đang sinh sống tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; nguyên là Pháo thủ số 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2) cùng đồng đội trên chiếc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cánh cổng sắt tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Thế nhưng với ông, giây phút lịch sử ấy vẫn còn nguyên trong tâm trí. Ông Lê Văn Phượng kể: “Sáng 30-4-1975, sau khi đánh thắng quân địch tại các trạm chốt ở khu vực cầu Sài Gòn, ngã tư Hàng Xanh, cầu Thị Nghè, chúng tôi tiến về Dinh Độc Lập. Khi xe tăng giáp mặt quân thù, chúng tôi đã xông thẳng vào Dinh Độc Lập cùng đồng đội bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng. Cảm giác của tôi lúc đó là hạnh phúc đến tột cùng khi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử, đích đến cuối cùng sau bao nhiêu năm đồng bào, đồng chí đổ xương máu cho độc lập, thống nhất Tổ quốc”.

Cựu chiến binh Bùi Ngọc Thanh (ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 10 - Vận tải, Quân đoàn 3) nhớ lại: “Năm 1975, sau khi Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, đơn vị tôi cùng quân đoàn hành quân về giải phóng Sài Gòn. Nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ đạn dược và lương thực để bảo đảm cho các đơn vị bạn chiến đấu. Tiến vào Sài Gòn, khi kẻ địch đã yếu nên quân đoàn đánh đến đâu, chúng rút lui đến đó. Ngày 30-4-1975, khi được trên thông báo đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, tất cả anh em trong đơn vị suốt đêm không ngủ. Giải phóng Sài Gòn xong, đơn vị chúng tôi lại được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất và khí tài địch để lại, sau đó gom vào các kho bảo quản, gìn giữ theo quy định của quân đội. Tâm trạng anh em trong đơn vị rất phấn khởi nên ai nấy đều làm việc với tinh thần không mệt mỏi”. 

Trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu tại Sài Gòn trong ngày 30-4-1975, Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chính ủy Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 (hiện ở tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) cảm nhận, đó là giờ phút mà không phải ai cũng được trải nghiệm. Đại tá Nguyễn Văn Tàu hồi tưởng: Ngày 30-4-1975, trước sức tấn công của Quân giải phóng từ 5 hướng tiến vào Sài Gòn, Quân đội Sài Gòn mất hết nhuệ khí, tan rã. Bên trong Sài Gòn và tại các cửa ngõ tiến về thành phố, các phân đội thuộc Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 đã bám sát mục tiêu do Bộ Tham mưu Chiến dịch Hồ Chí Minh phân công từ trước, góp phần cùng làm nên chiến thắng…

“Buổi chiều và tối hôm ấy, đồng bào đổ ra đường đón đoàn Quân giải phóng như đón con em mình đi xa trở về. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cờ Tổ quốc rợp trời, cờ to được treo khắp đường phố... Thanh niên nam, nữ đeo băng đỏ ra đường điều khiển giao thông. Tối đến, đèn điện vẫn sáng. Trong ngày giải phóng, nước máy cho nhân dân vẫn được cấp đầy đủ. Mọi sự diễn ra như một cuộc chuyển giao êm đẹp”, Đại tá Nguyễn Văn Tàu nói.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và làm nên chiến thắng này, hàng chục vạn đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đây là điều lớp lớp thế hệ sẽ luôn khắc ghi để sống, học tập, lao động cho xứng đáng với thế hệ đi trước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có một “thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói…”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.