Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một cơ hội khác

Dục Tú| 23/06/2014 06:01

(HNM) - Gần hai tháng kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, người Việt ở trong và ngoài nước nhất loạt thể hiện tình yêu Tổ quốc bằng hành động cụ thể, mục tiêu chung không có gì khác hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Nhìn chung là mỗi người một việc có ích; mỗi cấp, ngành một nhiệm vụ thiết thực. Ở tuyến đầu ta thấy cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân quyết không rời thực địa, vững tâm vì có cả hậu phương lớn ở sau mình. Chính phủ ra chủ trương, quyết sách lớn, ngành ngành, nhà nhà góp sức nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển làm ăn và giữ chủ quyền. Tuổi trẻ khắp nơi hướng về biển, đảo quê hương; giới khoa học góp kiến giải làm sâu sắc hơn chứng lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn, phóng viên, nhà làm phim… ra mắt tác phẩm có ý nghĩa thúc giục tinh thần yêu nước chân chính.

Ta đã có sự nhận thức phù hợp khi Biển Đông dậy sóng, khẳng định tình yêu hòa bình và kế sách giữ vững chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ bằng nội lực kết hợp giải pháp ngoại giao dựa trên luật pháp quốc tế. Những ngày tháng qua, bài học thực tế cho cách hiểu đúng về phát triển kinh tế nhằm nâng cao nội lực quốc gia, không bỏ qua cơ hội nhưng quyết không sa cảnh lệ thuộc. Giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 dẫn đến sự khẳng định lại, sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, về đường lối phát triển độc lập tự chủ, với mũi nhọn phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra yêu cầu chấn hưng văn hóa ở tầm mức cao hơn, thiết thực hơn nhằm tạo động lực phát triển đích thực. Đó thực sự là một cơ hội đáng giá khác mà ta cần nắm lấy, cụ thể hóa bằng giải pháp và hành động cụ thể.

Tính thiết thực nhiều khi chịu ảnh hưởng lớn từ những việc nhỏ, có lúc gây cảm giác là việc nhỏ nhặt, tưởng chừng không đáng để quan tâm. Quan điểm ấy thật sự là không phù hợp, nhất là trong lúc này, khi sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa nghiêm trọng. Chẳng hạn, giữa lúc người người hướng về Biển Đông, nhiều người gác bỏ chuyện riêng để hướng về Hoàng Sa giữa muôn trùng thử thách, đến nhà nghèo khó cũng tự nguyện san sẻ nhằm giúp người ra tuyến đầu thêm vững vàng, sao vẫn còn những kẻ "nằm bờ" đang tâm khoe của, "khoe thân", lợi dụng tình thế để "ném đá" và làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc? Sao vẫn còn những người lợi dụng nhiệm vụ, chức trách được giao để lan truyền thói hư tật xấu? Có là lạc lõng, phản cảm khi vào lúc này, trên mạng tin tức vẫn còn những dòng tin "giải mã" vì sao gái hư thích "cởi" - hàm ý loan tin chứ không phải phê phán, hay "đại gia" tiêu tiền như thế nào... Hôm qua, một trang mạng cho đăng tải cái gọi là tổng hợp tin tức, "toàn cảnh" văn hóa - giải trí trong một tuần được vẽ ra, chủ yếu là những sự vụ phản cảm, những hành vi ứng xử xa lạ như mua tin nhắn bình chọn, "hot boy" hát "nhạc rác", "nghi án" đồng tính, đám cưới xa hoa của nữ ca sĩ… thay vì sự kiện mang ý nghĩa cổ vũ tinh thần yêu Tổ quốc, vì Tổ quốc. Vì sao không phải là nữ nhà báo - nhạc sĩ Quỳnh Hợp ròng rã hai tháng nay chỉ có một đề tài sáng tác nhằm tôn vinh những người đang xả thân giữ biển trời quê hương, sao không là những nhạc sĩ, ca sĩ, nhà báo, thanh niên ra đảo góp tiếng nói và hành động cổ vũ toàn dân nêu cao tinh thần yêu nước?...

Thời chiến tranh, cả nước ra trận, những ủy mị thường nhật không còn cơ hội tồn tại, đừng nói là việc làm sai. Đất nước hiện giờ đang trong bối cảnh hòa bình nhưng thử thách là rất lớn, cần có cách ứng xử phù hợp tình hình chung. Bối cảnh đó mở ra cơ hội củng cố quyết tâm chấn hưng văn hóa, mà báo chí, truyền thông phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong đấu tranh loại bỏ những hành vi tiêu cực, những cách thức ứng xử xa lạ, phản cảm, gây hại cho đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Đưa vấn đề ra lúc này, tất yếu toàn dân ủng hộ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có một cơ hội khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.