Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh

Lam Giang| 03/03/2023 17:04

(HNMO) - Công tác xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc năm 2023, được tổ chức ngày 3-3, tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị.

Năm 2022 tuy có nhiều khó khăn, thách thức, song hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại cả nước đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Kết quả tích cực về xuất, nhập khẩu và sự phát triển ổn định của thị trường trong nước có sự đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến thương mại.

Các đại biểu tham gia hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế như tính liên kết trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng chưa thực sự chặt chẽ; nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo; thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu các đơn vị huy động và sử dụng nguồn lực dành cho xúc tiến thương mại một cách hiệu quả; chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các bộ, ngành, địa phương trong vùng và liên vùng, vừa tránh chồng chéo, dàn trải, vừa phát huy được hiệu quả hỗ trợ tới nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của vùng; đồng thời, hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại nói chung.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cơ chế liên kết cần được mở rộng kết nối, trao đổi thường xuyên với hệ thống các thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại nước ngoài không chỉ về thông tin, mà còn cả các nghiệp vụ, hoạt động cụ thể. Đây chính là những đối tác, cầu nối không thể thiếu, nhất là khi hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam ngày càng vươn ra thị trường thế giới.

Quang cảnh hội nghị.

Về những định hướng trong năm 2023, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng...

Đồng thời, Cục sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc, gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài. Mặt khác, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.