(HNM) - Dư thừa nguồn vốn, thiếu người vay, nhưng các ngân hàng vẫn tìm cách để hút nguồn tiền gửi tiết kiệm, trong đó có tăng lãi suất.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mấy tuần trở lại đây, lãi suất huy động VND bình quân ở các NH thương mại cổ phần (TMCP) áp dụng đối với kỳ ngắn hạn (1-2 tháng) giảm 0,2-0,5%/năm so với trước. Mặt bằng lãi suất huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng: 1-1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 5-7%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 6,5-7,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng: 7,5-8,5%/năm... Lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao: 7-9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SXKD) khác: 9-11,5%/năm (ngắn hạn), 11,5-13%/năm (trung và dài hạn), trong đó một số DN có tình hình tài chính minh bạch, phương án, dự án SXKD hiệu quả được vay với lãi suất 6-7%/năm...
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Phương Thanh |
Như vậy, lãi suất huy động bình quân cao nhất ở hệ thống các NH là 8,5%/năm, có nghĩa là trên thực tế có những NH chấp nhận huy động với lãi suất 9-10%/năm. Đại diện một số NH lý giải nguyên nhân tăng lãi suất là để giữ chân những khách hàng cũ, đồng thời hút khách hàng mới, chuẩn bị nguồn vốn cho thời điểm "nóng" sắp tới, khi nhu cầu sử dụng vốn NH tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh "sức khỏe" các DN chưa thực sự hồi phục, nhiều DN vẫn ngấp nghé bên bờ vực phá sản, lãi suất cho vay 13-14%/năm được cho là quá cao.
Các chuyên gia tính toán, lợi nhuận của các DN chỉ quanh ngưỡng 6-7%/năm, DN "khỏe" cũng chỉ đạt 10-12%, hiếm có DN đạt lợi nhuận 15-17% để dám vay vốn NH. Điều này cũng có nghĩa nếu NH cho vay với lãi suất 13-14%/năm, DN khó có thể chạm tay tới. Hầu hết các DN đều kỳ vọng, mức lãi suất cho vay SXKD chỉ nên dừng lại ở 10%/năm, thậm chí thấp hơn. Với mức lãi suất này, DN mới mạnh dạn vay vốn để mở rộng SXKD hay tiến hành các dự án mới.
Mặc dù một số NH TMCP khẳng định sẵn sàng cho vay với lãi suất 6-7%/năm cho những DN "khỏe", có dự án tốt, nhưng điều kiện để được ưu đãi lãi suất lại không đơn giản. Hơn nữa, mức lãi suất ưu đãi nếu có này cũng chỉ trong thời gian ngắn, chỉ được ưu đãi 1-3 tháng đầu của khoản vay, trong khi hầu hết DN đều muốn vay dài hạn, bởi ít có dự án nào chỉ diễn ra trong vài ba tháng, sau đó DN sẽ phải tính đến bài toán phải trả lãi suất theo mức thông thường, gây nên áp lực không nhỏ.
Để có thể giảm lãi suất cho vay, NH không còn cách nào khác là hạ lãi suất huy động, nhưng nếu "cuộc đua" lãi suất cứ tiếp tục diễn ra, giảm lãi suất là việc khó có thể thực hiện. Ngay cả với những NH lớn, với nguồn vốn dư thừa cũng không thể đứng ngoài "cuộc đua" nếu các NH nhỏ liên tục đẩy lãi suất huy động lên cao vì lo ngại khách hàng cũ sẽ rút nguồn tiền nhàn rỗi để gửi vào các NH có lãi suất cao hơn. Vì vậy NHNN nên tiếp tục áp trần với tất cả các mức lãi suất huy động, không riêng thời hạn ngắn, để tránh tình trạng mạnh ai nấy tăng như hiện nay. Vấn đề cần thiết đối với nền kinh tế hiện nay là cứu DN, cũng là cứu nền kinh tế, và hạ lãi suất cho vay được xác định là một trong những phương thuốc hữu hiệu nhất.
Ngày 5-3-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP, trong đó yêu cầu các bộ, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD phát triển; NHNN xem xét khả năng điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát. NHNN phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ cho phát triển nông nghiệp, trong đó ưu tiên các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. NHNN phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ phương án hạ lãi suất, nâng mức cho vay với các hộ nghèo, cận nghèo và đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, duy trì ổn định tỷ giá và thị trường vàng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.