Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội vàng với ngành CNTT

HA OANH| 04/04/2008 07:50

Chiều 3/4 VTCNEWS phối hợp với ba trường ĐH danh tiếng về đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) tổ chức giao lưu trực tuyến với độc giả để giải đáp, chia sẻ những băn khoăn thắc mắc về tuyển sinh vào ngành CNTT năm nay.

Chiều 3/4 VTCNEWS phối hợp với ba trường ĐH danh tiếng về đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) tổ chức giao lưu trực tuyến với độc giả để giải đáp, chia sẻ những băn khoăn thắc mắc về tuyển sinh vào ngành CNTT năm nay. Khách mời của buổi giao lưu gồm có:

1. Thầy Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
2. Thầy Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
3. Thầy Nguyễn Hữu Dư, Chủ nhiệm Khoa Toán cơ - Tin học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nội dung buổi Giao lưu:

Nguyễn Tuấn Lam - Nam 19 tuổi - Thái Thụy, Thái Bình: Em chào các thầy! Em rất thích ngành công nghệ thông tin. Năm nay, em có ý đinh thi lại vào ngành đó. Nhưng nếu học CĐ thì em có thể học được ở trường nào? Và đào tạo CNTT trong các hệ CĐ khác với ĐH như thế nào? Em sẽ làm được gì khi chỉ học ở bậc CĐ? Bản thân em có cần tố chất gì không để học CNTT?

TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông: Chào tất cả các bạn tham dự buổi giao lưu hôm nay! Tôi xin trả lời câu hỏi như sau: Hầu hết các trường ĐH và Học viện đào tạo ĐH ngành CNTT thì đều có đào tạo CĐ CNTT. Em xem kỹ trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh CĐ ĐH chính quy 2008 để biết các chỉ tiêu của các trường. Em có thể thi vào HV Công nghệ Bưu chính viễn thông với mã ngành cao đẳng CNTT là C66. Điểm khác cơ bản là ở trình dộ cao đẳng, khi ra trường em có thể trở thành kỹ thuật viên, trình độ lý thuyết vừa phải nhưng kỹ năng thực hành thì tương đối tốt. Tố chất để học CNTT là môn Tóan học phải tốt và nói chung là rất chăm chỉ, chịu khó.

Thanh Tùng - Nam 20 tuổi – Biên Hòa:Có phải học CNTT em phải giỏi tiếng Anh không? Học công nghệ phần mềm em có thể học được ở trường Bách Khoa không? Thầy Hồng có thể nói qua cho em biết học công nghệ phần mềm ở trường mình như thế nào được không ạ?

PGS.TS Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Nếu đã vào học ĐH, tất cả các sinh viên đều được khuyến khích học tiếng Anh và đặc biệt học CNTT, sinh viên càng nên tăng cường học tốt tiếng Anh để tăng cường chuyên môn và sau này đáp ứng công việc khi ra trường.

Lê Quý Hoàng – Vinh – Nghệ An: Em muốn học CNTT để phục vụ trong lĩnh vực kinh tế thì em nên học trường nào và chuyên ngành gì?

TS Lê Hữu Lập: Em có thể học các chuyên ngành Hệ thống thông tin kinh tế của các trường ĐH Kinh tế như: ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Duy Ngà - Nam 18 tuổi – TP HCM: Em xin hỏi, liệu học CNTT ở nước mình có thể ra nước ngoài làm việc được không, thưa thầy Lập?

TS Lê Hữu Lập: Có thể chứ! Hiện nay một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức... cũng có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư CNTT rất nhiều. Ở Việt Nam, cũng có một số kỹ sư CNTT được tuyển dụng đi làm việc ở các nước trên. Tuy nhiên, các ứng viên này phải tốt tiếng Anh và đạt các kiến thức chuẩn về CNTT thông qua các bài test (kiểm tra) của họ.

Tăng Thị Lan – Nữ 22 tuổi – Hà Tây: Thưa thầy Lê Hữu Lập, thiết kế Website có khó không, nhất là đối với nữ như em? Nếu tự học trên Internet thì có được không và em có thể vào những trang nào để tự học thêm?

TS Lê Hữu Lập: Về kỹ thuật thì không khó nhưng người thiết kế phải có những kiến thức về mỹ thuật và với nữ thì cũng rất phù hợp. Theo thầy thì em nên theo một lớp ngắn ngày của các trung tâm tin học chuyên về thiết kế Website. Sau đó thì em tự học tập nâng cao trình độ thì tốt hơn.

ĐẶNG XUÂN ĐỨC - Nam 21 tuổi - HUẾ: Chào thầy Lập, em là sinh viên năm 3 trường ĐH kinh tế Huế, em rất thích khóa học quản trị mạng, liệu em học khóa này có phù hợp với chuyên ngành kinh tế của em không ạ! Em cám ơn thầy.

TS Lê Hữu Lập: Các ngành kinh tế hiện nay ứng dụng CNTT rất mạnh. Ví dụ như: Thương mại điện tử, Hệ thống thông tin quản lý kinh tế... Nếu em có kiến thức về quản trị mạng thì rất tốt cho em sau này khi ra làm việc.

Lê Hải Viễn – Nam 27 tuổi – Nghệ An :Tôi muốn học nhanh để ra kiếm việc làm. Theo thầy Dương Đức Hồng, tôi nên học về phần cứng hay phần mềm, lĩnh vực nào dễ kiếm việc làm hơn?

PGS.TS Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Tuỳ công việc em dự định sẽ làm và yêu cầu trình độ tin học của việc làm đó mà em lựa chọn khoá đào tạo ngắn hạn về tin học. Cũng lưu ý là các khoá đào tạo ngắn hạn như vậy thường chỉ được cấp chứng chỉ.

Phùng Tiến Phương – Thái Nguyên :Tôi có thể học gia công phần mềm ở đâu trong thời gian 2 đến 3 năm, vừa học vừa làm?

PGS.TS Dương Đức Hồngi: Đào tạo CNTT có các trình độ khác nhau. Ví dụ hệ ĐH chính quy của trường ĐH BKHN đào tạo để cấp bằng kỹ sư, trong đó có kỹ sư CNTT chuyên ngành công nghệ phần mềm thì thời gian đào tạo là 5 năm. Trường còn có hệ CĐ kỹ thuật ngành CNTT với thời gian đào tạo là 3 năm, khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân CĐ CNTT. Theo tôi tại Thái Nguyên em có thể tìm hiểu các khoá đào tạo của trường ĐH Kỹ thuật CN Thái Nguyên

nguyen van trung - Nam -tuổi: 18 - thi cau thanh pho bac ninh: Em muốn hiểu rõ hơn về ngành CNTT ở nước ta và em muốn biết phải thi vào ngành đó như thế nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư, Chủ nhiệm Khoa Toán cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội: Ngành CNTT Thế giới có thể được coi là một ngành phát triển non trẻ và ngành CNTT của VN cũng như vậy. Nó được phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 năm gần đây. Tuy vậy, nó đã xác lập được tầm quan trọng lớn lao trong sự phát triển của Khoa học, Công nghệ, Kinh tế, Xã hội,... ở Việt Nam. Ngày nay, nếu không có sự trợ giúp của CNTT thì hầu hết các guồng máy của xã hội sẽ tê liệt. Chính vì vậy, có người nói rằng CNTT là bộ não điều phối các hoạt động của xã hội. Và trong tương lai vai trò của ngành này sẽ còn quan trọng hơn rất nhiều. Các nơi đào tạo CNTT ở Việt Nam đều lựa chọn các thí sinh thi dự thi khối A. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người theo học CNTT cần phải là người giỏi về Khoa học Tự nhiên, đặc biệt là ngành Toán.

Phạm Thăng Long - Nam 18 tuổi - Đức Thọ - Hà Tĩnh:Em muốn thi khoa CNTT, vậy xin được hỏi điểm chuẩn những năm trước của cả 3 trường để em có thể lựa chọn?

PGS.TS Dương Đức Hồng:Trường ĐHBKHN tuyển sinh theo khối ngành, vì vậy chỉ có điểm chuẩn chung cho toàn trường, sau năm học thứ 1, sinh viên được đăng ký ngành học. Điểm chuẩn tuyển sinh 2007 của trường là 23,5 điểm

Nguyen Quang Thang - Nam 18 tuổi - Đà Nẵng: Em muốn hỏi cả ba trường hiện đã mở cơ sở liên thông, liên kết nào đào tạo CNTT tại Đà Nẵng không ạ? Địa chỉ, quy chế tuyển sinh như thế nào?

TS Lê Hữu Lập: Học viện CN Bưu chính Viễn thông có liên kết với trường Trung học Bưu chính Viễn thông và CNTT 2 (Đà Nẵng) để tổ chức đào tạo ĐH từ xa và liên thông CĐ lên ĐH ngành CNTT tại Đà Nẵng. Để biết thêm thông tin em có thể truy nhập vào website: www.ptit.edu.vn hoặc liên hệ với trường Trung học Bưu chính Viễn thông và CNTT 2 (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Trịnh Thanh Mai - Nam 26 tuổi – Thanh Hóa: Thưa thầy Nguyễn Hữu Dư, em có thể tự học về IT được không ạ? Nếu được em có thể tải các bài giảng của trường thầy về học không ạ?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Những người thành đạt về CNTT là những người có khả năng tự học rất cao. Vì vậy, em có thể tự học ngành CNTT. Các bài giảng về CNTT có thể tìm được rất nhiều ở trên mạng và em có thể download về những bài giảng phù hợp với trình độ của mình.

Hải Lý - Nữ 18 tuổi - Hà Nội : Con gái khác con trai như thế nào khi học ngành CNTT ? Với con gái nên chọn chuyên ngành gì  thì phù hợp?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Không có sự khác biệt lắm về tư chất giữa con gái và con trai trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, điều kiện làm việc giữa con gái và con trai trong lĩnh vực này có khác nhau: Đòi hỏi tính bền bỉ, kiên trì và đầu tư thời gian trong mỗi lần làm việc. Và điều đó thì con gái gặp một số khó khăn. Việc chọn chuyên ngành phù hợp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: sở thích, khả năng, điều kiện làm việc,... Vì vậy, không thể nói chuyên ngành nào phù hợp nhất cho con gái.

Ngô Mai Trang – 18 tuổi – Hải Phòng :Em muốn học theo chương trình tiên tiến nhập khẩu từ nước ngoài về ngành CNTT. Xin hỏi, trường thầy đã nhập về chương trình tiên tiến nào chưa? CT đó lấy từ của trường ĐH nào, nước nào? Xin cảm ơn thầy.

PGS.TS Dương Đức Hồng: Trường ĐHBKHN được Bộ giao cho đào tạo 3 chương trình tiên tiến là cơ điện tử, KH&KT vật liệu, kỹ thuật Y sinh. Chương trình tiên tiến về CNTT thì em có thể xem tại cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh 2008

Phan Yến Linh – Nữ 19 tuổi – Nghệ An: Em đang học tại trường ĐHBKHN, khoa CNTT. Nhiều anh chị sinh viên khác vẫn khuyên em là nên học thêm cả những chương trình đào tạo bên ngoài như APTECH thì mới đủ trình độ để làm việc. Em có nên làm điều đó không, thưa thầy Lê Quang Hồng?

PGS.TS Dương Đức Hồng: Chương trình đào tạo ĐH chính quy năm nay của khoa CNTT Trường ĐHBKHN được xây dựng mới hoàn chỉnh cập nhật các kiến thức hiện đại đáp ứng mục tiêu đào tạo các kỹ sư CNTT có trình độ cao về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển CNTT nói riêng và phát triển kinh tế XH nói chung tại VN và nhu cầu hội nhập quốc tế Vì vậy các em cần tập trung thời gian để tiếp thu tốt chương trình chuẩn của khoa, tuy nhiên các em cũng có thể tham gia các khoá đào tạo nâng cao nếu như thấy cần thiết và bổ ích cho lĩnh vực chuyên môn mà mình đang học.

Cao Bá Trung - Nam 17 tuổi – Đồng Nai:Thưa thầy Lập, Quản trị mạng là gì? Em có thể học quản trị mạng ở trường thầy được không? Chi phí ra sao và mất bao nhiều thời gian để hoàn thành 1 khoá học về quản trị mạng

TS Lê Hữu Lập: Quản trị mạng - bản thân nó cũng nói lên đây là một chức danh công việc có liên quan đến các hệ thống máy tính. Trong các trường ĐH thì quản trị mạng là một môn học của ngành CNTT. Do vậy, em nên theo học một khoá riêng đào tạo về Quản trị mạng tại các trung tâm đào tạo CNTT (ví dụ: Aptech, NIIT...) với thời gian đào tạo thường là 6 tháng, chi phí khoảng 550 USD.

Tùng – 18 tuổi – Quảng Ninh:Trường ĐH Bách Khoa có chuyên ngành mới nào không trong ngành CNTT? Xin thầy cho biết tên các chuyên ngành đó?

PGS.TS Dương Đức Hồng: Hiện nay chương trình đào tạo ngành CNTT của khoa CNTT trường ĐHBKHN có 5 chuyên ngành là Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, công nghệ phần mềm, truyền thông và mạng máy tính. Ở trường còn có các chương trình đào tạo đặc biệt về lĩnh vực CNTT là kỹ sư tài năng nghệ thông tin, kỹ sư chất lượng cao chuyên ngành hệ thống thông tin và truyền thông, kỹ sư cộng đồng Pháp ngữ về tin học và chương trình đào tạo về CNTT và truyền thông theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản

Đặng Tuấn Tú - Nam 18 tuổi – Can Lộc – Hà Tĩnh:Thưa thầy Dư, em nghe mọi người nói học Tin phải giỏi Toán, nhưng em nhận thấy em chưa phải giỏi môn Toán lắm. Nhưng em lại rất hay mày mò trên máy tính và ít có chương trình hay hỏng hóc nào em bó tay. Vậy em có nên học CNTT không và em nên theo học chuyên ngành gì, viết phần mềm, xử lý sự cố máy tính và phần cứng…? Theo thầy thì môn Toán có quyết định sự thành công của người học trong lĩnh vực CNTT không?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Những kĩ năng mà em có rất cần thiết cho 1 người làm CNTT. Tuy nhiên, đúng như người ta nói, khả năng toán học sẽ giúp cho người học tiếp cận được đỉnh cao của CNTT. Nếu không thì dễ biến mình thành những người thợ chứ không phải là những chuyên gia. Cũng cần chú ý rằng có khả năng về toán không có nghĩa là cần phải rất giỏi về toán. Bản thân môn Toán không quyết định cho sự thành công của em trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, một khả năng tư duy logic chặt chẽ kiểu Toán học thì rất cần cho các chuyên gia về CNTT. Để trở thành một chuyên gia lập trình, em cần học đầy đủ các kiến thức cơ bản về CNTT và theo các khoá học về kĩ năn lập trình.

Bùi Tô Khánh Ly - Nữ -tuổi: 19 - THPT Trần Phú.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc: Hiện Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông có bao nhiêu chuyên ngành đào tạo CNTT, ngành nào lấy điểm cao nhất, thấp nhất?

TS Lê Hữu Lập: Học viện đào tạo 5 chuyên ngành về CNTT: Khoa học máy tính, Kỹ thuật lập trình, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Mạng và truyền thông. Sinh viên học đến năm thứ 4 mới phân chuyên ngành. Điểm tuyển sinh đầu vào như nhau.

Trần Tú Chung – Nam 24 tuổi – Tuyên Quang: Em muốn học để thiết kế các chương trình games thì em có thể học ở đâu?

TS Lê Hữu Lập: Em có thể học ở các trung tâm đào tạo NIIT (Trung tâm dào tạo CNTT liên kết với Ấn Độ) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thời gian đào tạo khoảng 2 năm.

Vũ Thị Thu hiền - Nữ 18 tuổi - Thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá:Em xin hỏi chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 của ngành CNTT ĐH Bách Khoa, ĐH KHTN?

PGS.TS Dương Đức Hồng: Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 của ĐH Bách Khoa là 3.870. Sau năm thứ nhất trường sẽ tiến hành phân ngành học cho SV, trung bình hàng năm chỉ tiêu phân vào khoa CNTT khoảng 350 SV

Vũ Văn Bang - Nam 23 tuổi - Hà Nội: Em muốn sau này ra trường làm việc cho doanh nghiệp phần mềm. Vậy em có nên học nhiều ngôn ngữ lập trình không hay chỉ nên tập trung vào một số ngôn ngữ mạnh như VC++, Java?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Việc học cụ thể một phần mềm không phải là điều quan trọng trong CNTT. Vấn đề quan trọng là các kiến thức, kĩ năng cơ bản về lập trình, khả năng kiến thiết và tổ chức quản trị chương trình. Đó là những yếu tố giúp bạn tiếp cận nhanh chóng với những yêu cầu của các doanh nghiệp phần mềm.

nguyễn trang - Nữ -tuổi: 18 - Quảng Ninh: Em có dự định thi vào học viện CN BCVT nên em muốn hỏi điểm thi tuyển vào trường năm 2007 là thế nào? Chỉ tiêu tuyển sinh có tăng lên không? Sau khi ra trường em có thể làm việc ở những đâu? Em xin cảm ơn!

TS Lê Hữu Lập: Điểm thi tuyển đầu vào của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là theo ngành học. Năm 2007, với các chỉ tiêu có kinh phí đào tạo của Nhà nước thì điểm chuẩn đầu vào của cơ sở đào tạo phía Bắc ngành CNTT và ngành Viễn thông là 26 điểm; ngành Quản trị kinh doanh là 20,5 điểm; ngành Kỹ thuật điện, điện tử là 17 điểm; Còn đối với các chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội (hệ học phí cao) thì điểm chuẩn đầu vào ngành CNTT và Viễn thông là 22 điểm; ngành Quản trị kinh doanh là 20 điểm; ngành điện, điện tử là 17,5 điểm.

Bùi Tô Khánh Ly - Nữ -tuổi: 19 - THPT Trần Phú.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc: Ngành CNTT vốn lấy điểm cao, trong khi em chỉ có học lực trung bình khá. Vậy em nên đăng ký theo học chuyên ngành nào, trường nào thì phù hợp với sức học của mình? Cứ học CNTT ra trường là phải làm trong các công ty tin học và máy tính à? Xu hướng phát triển CNTT trong tương lai sẽ thế nào, tập trung manh vào mảng nào?

PGS.TS Dương Đức Hồng: Nếu em dự định thi khối A vào ĐH BKHN và đủ điểm vào trường thì trong năm học thứ 1 ở trường, các em sẽ được các khoa viện của trường giới thiệu về ngành đào tạo và lĩnh vực công tác sau này, cũng như biết về chỉ tiêu của trường phân cho các ngành để lựa chọn ngành phù hợp nhất với năng lực học tập của mình. Kỹ sư CNTT tốt nghiệp trương ĐH BKHN có thể làm việc với nhiều vị trí khác nhau theo yêu vầu của XH: phát triển cài đặt và bảo trì các hệ thống thông tin, hệ thống mạng, và các hệ thống ứng dụng CNTT khác cho các cơ quan doanh nghiệp, lập trình chuyên nghiệp trong các công ty chế tác phần mềm, quản trị các dự án CNTT, giảng dạy tin học ở trường ĐH, Cao đẳng hoặc làm việc tại các Viện và TT Nghiên cứu…

Bùi Tô Khánh Ly - Nữ -tuổi: 19 - THPT Trần Phú.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc: Trường nào đào tạo kết hợp với doanh nghiệp để có việc làm ngay sau khi ra trường ngành CNTT?

PGS.TS Dương Đức Hồng: Để phục vụ công tác đào tạo trong những năm qua khoa CNTT của trường đã xây dựng các quan hệ liên kết, hợp tác khá chặt chẽ với hầu hết các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT trong nước và cả các công ty Viễn thông hàng đầu trên thế giới…các đối tác liên kết này đã tiếp nhận hàng trăm SV năm cuả khoa đến thực tập tạo điều kiện cho các em được tiếp cận công nghệ mới, gắn các đề tài tốt nghiệp với thực tiễn. Vì vậy 100% kỹ sư CNTT ra trường đã có việc làm ngay đúng chuyên môn.

Trần Ngọc Cường - Nam 22 tuổi - Hải Phòng:Hiện nay có nhiều trường CĐ có chế độ học liên thông từ CĐ lên ĐH. Vậy trong ngành CNTT có việc học liên thông không và bằng liên thông với bằng học chính quy có gì khác không? 

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Hiện tại có nhiều cơ sở đào tạo liên thông ngành CNTT như là Bách Khoa, ĐH Quốc gia,... Sự khác biệt trong 2 loại bằng này còn tuỳ thuộc vào cơ sở đào tạo và loại hình đào tạo. Nhiều cơ sở tuyển dụng phân biệt bằng liên thông hệ vừa học vừa làm và liên thông hệ chính quy. Tuy nhiên, ít cơ sở phân biệt bằng liên thông với hệ đào tạo chính quy dài hạn.

Phong - Nam 22 tuổi - Tp.HCM: Chào thầy Dư, em xin hỏi, ngành công nghệ thông tin và toán tin có thể hoán đổi vị trí làm việc được không? Vì em thích công nghệ thông tin nhưng lại thi vào ngành toán tin vì không đủ khả năng để thi vào các trường tuyển sinh ngành công nghệ thông tin.

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Các kiến thức mà sinh viên được tích luỹ trong 2 ngành đào tạo này tương đối giống nhau nên có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Thực tế đã chứng minh rằng, sau khi ra trường, việc trở thành chuyên gia CNTT hay không phụ thuộc vào khả năng của chính bản thân chứ không phụ thuộc vào ngành mà bạn được đào tạo.

Đỗ Xuân Cường - Nam -tuổi: 20 - Lê Chân Hải Phòng: Kính thưa GS Dương Đức Hồng.Em xin được đặt một câu hỏi với thầy : -Hiện nay tình trạng khai thác các lỗ hổng bảo mật của các shop online nước ngoài (gồm cả hack database và hack vào bug của paygate) diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ nguồn nhân lực về bảo mật của VN rất tốt nhưng lại không được đưa đi theo đúng hướng dẫn đến phạm tội. Liệu Bộ GD&ĐT cũng như trường ĐH BK HN đã có những biện pháp gì để khai thác và phát triển nguồn nhân lực này. Em xin cảm ơn !

PGS.TS Dương Đức Hồng: Trường ĐH BKHN có TT An ninh mạng có đào tạo và hướng dẫn SV đi sâu vào lĩnh vực mà em quan tâm

Thủy Nguyên - Nam -tuổi: 20 - THPT Trần Phú, Hà Nội: Em không có năng khiếu học ngoại ngữ và cũng không thích học, nhưng lại có nguyện vọng được học CNTT. Vậy em có nên đi theo hướng học CNTT ko?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Ngành CNTT không đòi hỏi cao về năng khiếu ngoại ngữ. Chỉ cần bạn đọc hiểu được các tài liệu bằng ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập ngày nay, để trở thành chuyên gia về CNTT, em cần phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ để có thể trao đổi được với các chuyên gia CNTT của thế giới.

Nguyễn Thanh Minh – Nữ 18 tuổi – Thái Bình: Xin hỏi, hiện nay đã có trường nào đào tạo tín chỉ chưa? Hình thức đào tạo như thế nào?

PGS.TS Dương Đức Hồng: Trường ĐH BKHN bắt đầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho khoá K52, tuyển sinh vào trường năm 2007 với chương trình đào tạo kỹ sư 5 năm. SV phải tích luỹ được 178 tín chỉ và SV được phát quyển chương trình đào tạo của các ngành trong trường, vào đầu mỗi học kỳ SV được đăng ký các tín chỉ mà mình dự định tích luỹ phù hợp năng lực và điều kiện của bản thân. Thời gian tối đa cho mỗi khoá đào tạo là 7 năm rưỡi. Nhà trường đã ban hành và thực hiện quy chế đào tạo ĐH theo học chế tín chỉ, để biết thêm thông tin các em có thể truy cập vào trang web đào tạo ĐH của trường

Nguyễn thế tuấn - Nam 18 tuổi - Thanh hóa: Em và các bạn đang chuẩn bị làm hồ sơ thi vào đại học, việc chọn ngành thi và trường thi đang làm chúng em rất băn khoăn. Tại sao các trường ĐH lại không có một khóa dự bị đại học để chúng em có thể thử tiếp xúc chuyên ngành mình học sau khi đã đủ điểm để vào trường, hay khi thí sinh đã đủ một mức điểm nhất định thì có thể đăng ký học nhiều ngành của một trường hay thậm chí là nhiều trường cùng một lúc nếu sinh viên đó có đủ khả năng?

TS Lê Hữu Lập: Các lớp dự bị ĐH hiện nay chỉ dành cho học sinh miền núi (dân tộc ít người). Điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa cho phép các trường mở các lớp dự bị. Trong quy chế đào tạo hiện nay thì cho phép các sinh viên học nhiều ngành ở nhiều trường cùng một lúc nếu như sinh viên đó đảm bảo được những điều kiện mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

nguyễn thị thanh hoa - Nữ 18 tuổi - hương canh - bình xuyên - vĩnh phúc: Em đang chuẩn bị thi đại học năm đầu tiên nhưng chưa biết chọn chuyên ngành nào trong CNTT để công việc về sau xin dễ dàng, mức thu nhập tốt? Trường ĐH Bách Khoa đã có cuộc điều tra nào về việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường chưa? Xin trân trọng cảm ơn!

PGS.TS Dương Đức Hồng: Trườtng ĐH BKHN đã có những đợt lấy thông tin về việc làm của các SV sau khi tốt nghiệp vào các năm 2002,2004. Kết quả cho thấy kỹ sư tốt nghiệp ĐHBK, trong đó có kỹ sư CNTT, hầu hết làm việc đúng chuyên môn và có thu nhập khá

Nguyễn Trọng Trinh - Nam 28 tuổi - sơn trà, đà nẵng: Em xin hỏi em đăng ký học đại học từ xa tại trung tâm giáo dục đào tạo Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp có thể tham gia học cao học được không ạ. Nếu có, em cần làm thủ tục như thế nào?

TS Lê Hữu Lập: Nếu em có một bằng ĐH (kể cả theo hình thức đào tạo từ xa) thì em có quyền để tham gia dự tuyển vào học cao học. Thủ tục thì em có thể tìm hiểu tại các trường có tổ chức đào tạo cao học mà em mong muốn dự tuyển.

thành lê - Nam -tuổi: 23 : Em chào các thầy. Thầy cho em hỏi nếu thi vào ngành công nghệ thông tin liệu sau nay ra trường có dễ xin việc không vì em thấy, sv học hệ cao đẳng ngành CNTT ra trường rất khó xin việc. Bây giờ rất nhiều trường đào tạo ngành CNTT. Liệu SV ngành này có thừa không ạ? 

TS Lê Hữu Lập: Dễ hay khó phụ thuộc vào kết quả học tập của em tại trường. Nếu như em học khá giỏi thì cơ hội xin việc làm là rất cao. Còn thực tế thì nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT hiện nay là rất thiếu, kể cả đối với các cử nhân ở trình độ Cao đẳng.

Lê Thanh Mai - Sóc sơn - Hà Nội: Em sắp tốt nghệp cấp 3 và rất yêu thích ngành CNTT nhưng gia đình rất khó khăn về tài chính. Em muốn nhờ các thầy cho biết em có thể theo học trường nào để có thể được hỗ trợ kinh phí và được hỗ trợ việc làm khi ra trường, vì em thấy hiện nay đa số các anh chị sinh viên khi ra trường xin việc khó quá? 

PGS.TS Dương Đức Hồng: Từ năm học 2007 – 2008 nhà nước đã tạo điều kiện cho SV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập nếu trúng tuyển vào học ĐH hoặc Cao đẳng. Theo kết quả điều tra việc làm của SV sau khi tốt nghiệp ĐH BKHN cho thấy các kỹ sư CNTT rất dễ xin việc làm đúng chuyên môn ngay từ năm đầu khi ra trường ngay cả khi SV học năm 4,5 đã nhiều em được các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ học bổng và ký hợp đồng nhận làm việc ngay sau khi ra trường.

Đặng Ngọc Hùng - Nam 20 tuổi - Nông Cống, Thanh Hóa: Cho em hỏi có trường nào có chương trình du học trong nước trong lĩnh vực CNTT không ạ? 

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Hiện nay, có rất nhiều trường ĐH trong nước thực hiện đào tạo du học trong nước. Chi tiết các cơ sở đào tạo này, em có thể dễ dàng tìm được trên các website. 

Pham Dang Trang - Nam -tuổi: 22 – Dalat: Em hiện đang là SV năm 2, khoa Toán - Tin, DH Đà Lạt. Hiện Em đang phân vân chọn hướng đi cho mình là 2 ngành: Cơ sở dữ liệu và quản trị mạng. Vậy cho em hỏi: + Nếu em theo hướng Cơ sở dữ Liệu thì có nhiều cơ hội nghề nghiệp như nghành Quản trị mạng hiện nay không? + Khi Việt Nam đang phát triển như hiện nay thì có cần nhiều tới DBA(Database Administrator) không? và nếu có thì những DBA có thể làm việc ở đâu? + Nếu học theo hướng Cơ sở dữ Liệu thì em cần phải trang bị cho Mình những gì để có thể sau khi ra trường sẽ dáp ứng được phần nào công việc ? Em xin cám ơn! 

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Cơ hội việc làm với 2 chuyên ngành đào tạo này là như nhau. Database Administrator là vấn đề quan trọng của lĩnh vực CNTT. Vì vậy, hiện tại và cả trong tương lai, Việt Nam cũng cần rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Database Administrator. Hầu hết các công ty phần mềm đều có nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia về Database Administrator. Việc học các kiến thức cần thiết cho chuyên ngành Cơ sở dữ liệu, em nên hỏi các giảng viên dạy trực tiếp vì điều đó phụ thuộc vào giáo trình mà giảng viên đang dạy.

Phạm Quốc Hưng - Nam 23 tuổi - Ninh Bình:Em đang học CNTT trường Bách Khoa năm nay năm cuối. Em muốn học thêm văn bằng 2 là kinh tế liệu được không, thưa thầy Hồng?

PGS.TS Dương Đức Hồng:Theo quy định của trường thì chỉ khi sinh viên đã bảo vệ đồ án tốt nghiệp ĐH bằng 1 thì có thể đăng ký bằng 2 của trường. Trong đó có ngành kinh tế quản lý. Em có thể hỏi thêm thông tin ở Phòng Đào tạo ĐH, nhà C1-202

Thụy Anh - Nam 17 tuổi – Hải Phòng: Em nghe nói học CNTT phải có tư chất sáng tạo, nếu không, có đỗ cũng không học nổi. Em lo quá, vì bản thân em nhận thấy mình không sáng tạo lắm. Thầy Nguyễn Hữu Dư có lời khuyên nào cho em không ạ? 

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Tính sáng tạo là tố chất rất cần thiết để trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, để có thể học và đáp ứng được yêu cầu công việc liên quan đến lĩnh vực CNTT thì không phải lúc nào cũng đòi hỏi khả năng sáng tạo đặc biệt. Em hãy mạnh dạn chọn ngành nghề mà em yêu thích! 

nguyen van trung - Nam -tuổi: 18 - thi cau thanh pho bac ninh: Thưa thầy, muốn học giỏi CNTT thì phải học tốt các môn nào? 

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Để có kiến thức nền thì em nên học giỏi tất cả các môn ở trường ĐH. Tuy vậy, các kiến thức bổ trợ trực tiếp cho ngành CNTT sẽ là: Toán học, Vật lí, Cơ học,... Chúc các em thành công trong lĩnh vực CNTT! 

Trang - Nữ -tuổi: 20 - Hà Nội: Em đang theo học ngành CNTT nhưng trên thực tế em thấy đào tạo ngành này ở nước ta còn nặng về lý thuyết. Các thày cô tham gia giảng dạy thường chỉ chuyên sâu vào nghiên cứu chứ ít khi thực tế vì thế làm cho bài học thường nhàm chán. Vậy liệu trong vài năm tới có sự thay đổi về cách đào tạo không? 

TS Lê Hữu Lập: Thầy cũng nhận thấy đúng như vậy! Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường đang tìm các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Thầy tin tưởng rằng, với quyết tâm của các trường ĐH, đặc biệt là biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên thì trong thời gian tới chất lượng đào tạo của nước ta sẽ có nhiều chuyển biến tốt đẹp.

Nhân buổi giao lưu trực tuyến rất cởi mở hôm nay, thay mặt các thầy các cô, xin gửi tới các em những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Như các em đã biết, ngành CNTT và truyền thông đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đầu tư lớn. Ngành đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là rất lớn. Các em có nhiệt huyết và học thật tốt thì cánh cửa việc làm luôn luôn rộng mở với các em. Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng là một trong các cánh cửa đó, hàng năm có hàng trăm kỹ sư CNTT và truyền thông được tuyển dụng vào làm việc tại đây. Năm 2008 này thầy và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông sẽ chào đón khoảng 700 sinh viên CNTT mới nhập trường. Thầy chúc các em thành công

Theo VTC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội vàng với ngành CNTT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.