Kinh tế

Cơ hội "vàng" cho hạt gạo Việt

Ngọc Quỳnh 22/08/2023 - 06:32

Hiện nay, nhiều nước xuất khẩu gạo lớn như: Ấn Độ, Nga, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)... chính thức dừng xuất khẩu gạo; tình trạng khô hạn do hiện tượng El Nino ở các nước châu Á có thể ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo cùng tình hình lạm phát tăng cao khiến nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều nước tăng mạnh…

Đây là cơ hội “vàng” cho Việt Nam thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực.

gao.jpg
Dây chuyền đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Nâng cao thu nhập cho người trồng lúa

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá lúa, gạo trong nước đã tăng 500-1.300 đồng/kg so với tuần trước: Giá lúa thường tại ruộng ở mức 7.800 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg; lúa thường tại kho nhà máy là 9.400 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 ở mức 14.900 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg… Giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng (ngày 20-7), gạo 5% tấm và gạo 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định, nguồn cung gạo trên thế giới khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ rất cao tại tất cả thị trường; nhu cầu của khách hàng đối với gạo Việt Nam tăng ít nhất 1 triệu tấn trong năm 2023 so với mức trung bình các năm nên tình hình thị trường xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm rất khả quan.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, giá lúa trong nước và xuất khẩu gạo tăng trong những ngày gần đây là thời cơ cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Việt Nam cần tận dụng thời điểm này để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, nếu không sẽ lỡ cơ hội tốt. Diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu héc ta, sản lượng 43 triệu tấn, tương đương hơn 20 triệu tấn gạo. Ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước cho 100 triệu dân và chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn gạo, thu về 4,1 tỷ USD trong năm 2023...

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo và giá gạo xuất khẩu liên tục tăng thời gian qua là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tạo liên kết ngang, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, Hợp tác xã sản xuất lúa gạo chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng do giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa, gạo trong nước tăng theo. Đây là cơ hội cho người trồng lúa tập trung sản xuất theo hướng an toàn, kiểm soát chất lượng, mở rộng ký kết hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Tạo tiền đề phát triển bền vững

Giá gạo toàn cầu tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 11 năm qua đang mang lại cơ hội và cả thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Yếu tố thuận lợi đã rõ, song thách thức chủ yếu của người trồng lúa là còn phụ thuộc thời tiết... Ngoài ra, giá cả thị trường trong nước tăng đột biến, ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp trước đó gặp khó khăn trong việc thu mua đủ số lượng dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả…

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long (quận Thanh Xuân) Trương Sỹ Bá, để tận dụng cơ hội, tạo tiền đề phát triển bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam, trước hết, cần tăng năng suất, chất lượng hạt gạo. Việc tăng chất lượng không hoàn toàn do giống lúa mà cần đặc biệt quan tâm đến khâu bảo quản sau thu hoạch, bởi hiện nay, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch vẫn cao, 10-30% tùy thời tiết mỗi vụ.

Về lâu dài, để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, thương nhân cần tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai việc tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với mức giá có lợi cho nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước; tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, trước mắt là về thông tin thị trường, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, đủ nguồn lực đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, xuất khẩu; cơ cấu lại ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng gia tăng giá trị. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...

Để tận dụng cơ hội từ giá gạo xuất khẩu tăng, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã điều chỉnh, nâng diện tích lúa vụ thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000ha lên 700.000ha. Với việc tăng thêm 50.000ha, năng suất vụ thu đông đạt khoảng 5,7 tấn/ha, sản lượng đạt 325.000 tấn lúa, tương đương 200.000 tấn gạo... có thể thu về thêm hơn 100 triệu USD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội "vàng" cho hạt gạo Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.