Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội nhiều nhưng không dễ tận dụng!

Đặng Loan| 25/03/2016 06:48

(HNM) - Dự báo, ngành dệt may, da giày đứng trước nhiều cơ hội phát triển khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực. Song để tận dụng được lợi thế, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.


Không phải "cây đũa thần"

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông đánh giá, TPP sẽ tạo ra "cú hích" lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, trong đó dệt may là một trong những ngành hàng được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may, trong 3 năm đầu tiên khi TPP chính thức có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ tăng khoảng 17% - 20%/năm và dự kiến đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt giá trị 50 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết: Bộ KH&ĐT đang chủ trì biên soạn dự thảo (lần 1) Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Trong đó, có một chương về hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia chuỗi liên kết ngành. Đây là khái niệm kinh tế không mới trên thế giới nhưng ở nước ta, lần đầu tiên vấn đề được luật hóa. Luật mới này sẽ hỗ trợ rất thiết thực, hiệu quả cho DN Việt Nam trong quá trình hội nhập, nhất là ở "sân chơi" TPP.

Dù vậy, TPP không phải "cây đũa thần". Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày & Túi xách Việt Nam (Lefaso), nếu hàng dệt may, giày dép xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu, xuất xứ… thì vẫn phải chịu mức thuế suất cao. Hiện các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành da giày đã chuẩn bị sẵn sàng, kể cả điều kiện xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế suất 0% ngay lập tức từ TPP. Tuy nhiên, không phải DN Việt Nam nào cũng chuẩn bị đủ các điều kiện để hưởng thuế suất ưu đãi.

Cũng theo ông Diệp Thành Kiệt, một "mặt trái" khác là TPP cũng mở toang cánh cửa thị trường nội địa cho các DN nước ngoài. Đây là nguy cơ khiến DN nội địa có khả năng phải thu hẹp thị trường bởi áp lực cạnh tranh từ những nước cùng tham gia.

Cần hình thành liên kết theo chuỗi giá trị

Mặc dù một số DN trong ngành cho biết đã chuẩn bị tốt để tận dụng cơ hội từ TPP nhưng nhìn chung, các DN ngành dệt may nội địa còn yếu. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 27 tỷ USD nhưng theo tính toán của ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Garmex Sài Gòn, kim ngạch thực mang về cho đất nước là "một thực tế đáng buồn" khi 30% DN FDI chiếm 70% doanh số, còn 70% DN Việt Nam chỉ chiếm 30%, tương đương 7 tỷ USD. Đáng chú ý, 85% DN Việt Nam vẫn thực hiện theo phương thức gia công với giá chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm nên kim ngạch thực nhận chưa đầy 1,5 tỷ USD. Ông Lê Quang Hùng đánh giá: Nếu không thay đổi phương thức kinh doanh thì chúng ta vẫn mãi "làm thuê", hội nhập không có ý nghĩa lớn.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, hiện chỉ có khoảng 30% DN Việt Nam thực hiện được hai phân khúc đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu về thời trang là R&D (nghiên cứu phát triển, marketing, thương hiệu); chuẩn bị điều kiện đầu vào cho sản xuất. Còn lại, 70% đang loay hoay trong phân khúc gia công. "Chúng ta đã nói nhiều về chuỗi nhưng chưa làm được vì liên kết chuỗi bao gồm các thành viên đảm nhiệm đầy đủ những khâu từ thiết kế, nguyên liệu, sản xuất… Nếu không, "chuỗi" chỉ là tập hợp DN sản xuất cùng ngành nghề, ít mang lại giá trị mà lại gây nguy cơ tự cạnh tranh với nhau và đi đến chỗ mất lợi thế cạnh tranh" - Ông Kiệt nói. Còn GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (Vafie) kiến nghị, cần chủ trương rõ về các khu công nghiệp chuyên biệt, có ưu đãi để các DN hợp tác phát triển chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế từ TPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội nhiều nhưng không dễ tận dụng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.