Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội mở rộng hợp tác song phương

Đình Hiệp| 09/11/2013 07:20

(HNM) - Dù có mối quan hệ chính trị rất tốt nhưng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Đó là lý do Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi được tổ chức tại Hà Nội vừa diễn ra đầu tuần qua.

Đây là lần đầu tiên một sự kiện quy mô lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với khu vực có hơn 520 triệu dân diễn ra ở Việt Nam. Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại một vài ý kiến đại biểu tham dự diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm gian hàng của các nước tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam với các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi Ảnh: TTXVN


Đại sứ Algieria tại Việt Nam Cherip Chikhi: Tiềm năng hợp tác Algieria và Việt Nam rất lớn

Dù ở cách xa Việt Nam nhưng chúng tôi luôn dõi theo và vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế to lớn của Việt Nam - người bạn lâu năm của chúng tôi đã đạt được. Tôi nhận thấy rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại, phát triển hạ tầng… Những năm gần đây, Công ty Sonatrach của Algieria - một trong những doanh nghiệp về năng lượng lớn nhất thế giới có trụ sở tại nhiều quốc gia - không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là đối tác quan trọng của Sonatrach. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác về khai thác thăm dò và sản xuất dầu khí tại khu vực Touggourt của Algieria từ năm 2002 đến nay. Qua diễn đàn này, tôi hy vọng rằng quan hệ hợp tác Algieria - Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam Necati Abacioglu: Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Nhìn vào các số liệu thống kê cũng như các dự án hợp tác trên thực tế cho thấy, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với 15 quốc gia Trung Đông - Bắc Phi đã không ngừng phát triển trong nhiều năm qua. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Đây là thế mạnh mà Việt Nam có thể tìm hiểu và khai thác tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cho rằng, đối với các mặt hàng nông sản, để thúc đẩy tiếp cận thị trường Trung Đông - Bắc Phi, Việt Nam nên hướng tới việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đây là một xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp toàn cầu. Không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả nhiều quốc gia khác cũng muốn được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm nông nghiệp này.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu thủy sản - Bộ Nông nghiệp Iran Arsalan Ghassemi: Tăng cường trao đổi thông tin về thị trường

Thực tế cho thấy, rất nhiều nông sản của Việt Nam xuất sang Iran được người dân chúng tôi rất ưa chuộng như gạo, ngô, cá, tôm, cao su tự nhiên… Công nghệ nuôi trồng thủy sản của Việt Nam rất phát triển mà Iran muốn đẩy mạnh hợp tác cũng như trao đổi kinh nghiệm. Việt Nam và Iran là hai nền kinh tế đang phát triển nên chúng ta có nhiều cơ hội hợp tác mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là người dân hai nước còn thiếu thông tin, các doanh nghiệp hai nước thiếu thông tin về thị trường của nhau. Qua diễn đàn này, tôi mong rằng các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam quảng bá thông tin nhiều hơn nữa đến người dân cũng như doanh nghiệp hai nước để tăng cường hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại. Như phát biểu khai mạc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, tôi tin tưởng rằng diễn đàn sẽ là khởi đầu của giai đoạn hợp tác ở tầm cao mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi nói chung và Iran nói riêng.

- Trung Đông - Bắc Phi là khu vực chiếm 60% trữ lượng dầu thế giới.
- 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Trung Đông - Bắc Phi tăng 878% từ 889 triệu USD năm 2002 lên 7,4 tỷ USD năm 2012.
- Năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Đông - Bắc Phi đạt khoảng 1.140 tỷ USD, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chỉ đạt 4,8 tỷ USD, chiếm khoảng 0,4%.
- Các nước Trung Đông - Bắc Phi muốn nhập khẩu hàng thủy sản, nông sản, dệt may, giày dép… của Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội mở rộng hợp tác song phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.