(HNM) - Tính đến hôm nay là vừa đúng một tuần từ khi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được thông qua. Những ngày gần đây, hầu hết báo chí đều tập trung phân tích những góc độ thuận lợi và khó khăn khi TPP chính thức có hiệu lực.
Tóm lại là lợi ích cũng nhiều mà lo lắng cũng không ít, đó cũng là lẽ thường bởi đây luôn là hai mặt của một vấn đề, cơ hội càng nhiều thì thách thức càng lớn. Đặc biệt, với một số doanh nghiệp Việt Nam, nỗi lo lắng thêm gia tăng khi phải chấp nhận sự bình đẳng trong việc tham gia vào một "sân chơi" lớn. Không còn được hưởng sự bảo hộ cùng những ưu đãi mang tính chất riêng tư, cũng không còn sự độc quyền. Sức ép, áp lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển sẽ là rất lớn. Và chắc chắn đây cũng chính là liều thuốc thử chuẩn xác nhất năng lực của từng doanh nghiệp.
Hôm qua, có một bài báo phân tích, sữa nguyên liệu ngoại nhập đang hiện diện hơn 70% trên thị trường Việt Nam với giá trị nhập khẩu hằng năm ở mức 1 tỷ USD. Trong thời gian tới, khi TPP có hiệu lực, mức thuế giảm về 0%, chắc chắn sữa ngoại sẽ có mặt ở Việt Nam nhiều hơn. Như nhận định của nhiều chuyên gia, khi đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi với giá sữa ngoại rẻ hơn, nhưng ngược lại người chăn nuôi bò sữa sẽ "mệt mỏi" do giá thành sữa tươi của chúng ta còn ở mức khá cao.
Và không chỉ người trực tiếp chăn nuôi, các doanh nghiệp ngành sữa của chúng ta sẽ đối mặt với thách thức lớn. Hiện như đánh giá của Tổ chức Euromonitor International, năm 2014 doanh thu ngành sữa Việt Nam đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước và năm 2015 ước đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2014. Sắp tới, khi ngành sữa "lên sàn đấu", liệu "miếng bít tết" lợi nhuận có còn lớn như thế?
Câu trả lời là có thể còn lớn hơn thế nhưng cũng có thể… xảy ra trường hợp xấu. Và yếu tố quyết định chính là người trong cuộc, như nhân vật chính Tôm Kinh trong "Miếng bít tết" của Jack London.
Vậy quan trọng nhất là gì? Xin thưa, đó chính là động lực trong "thi đấu" - điều tiên quyết mà ngành sữa của chúng ta nói riêng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam không thể thiếu. Như Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick khẳng định: Những lợi ích mà TPP mang lại là vô cùng lớn, nhưng việc tận dụng nó như thế nào, nhanh hay chậm… còn tùy thuộc vào những chính sách của Chính phủ Việt Nam cũng như nỗ lực của chính các doanh nghiệp.
Cùng với những yếu tố hưởng lợi như khả năng tiếp cận thị trường, tăng xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài… ông Eric Sidgwick phân tích: Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi không chỉ giảm thuế quan, TPP còn quy định các rào cản phi thuế quan như các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Người tiêu dùng các nước sẽ đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao nhất, cùng các tiêu chuẩn cao về môi trường, không sử dụng lao động trẻ em... Trong các thành viên TPP, nhiều nước đã đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trên, vấn đề là Việt Nam sẽ mất bao lâu để đáp ứng các tiêu chuẩn này? Điều đó phụ thuộc vào việc ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh toàn cầu để có thể cạnh tranh ở các thị trường mới, tận đụng được cơ hội do TPP mang lại…
Có thể thấy, cơ hội từ TPP không tự đến nếu chúng ta chỉ "ngồi dưới gốc cây sung". Cơ hội ấy chỉ dành cho những người biết tận dụng thời cơ và vượt qua thử thách. Thêm vào đó, động lực, khát khao chiến thắng sẽ là chất xúc tác giúp đi tới sự thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.