Sự kiện 100 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu đầu tiên được tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử quốc tế đã đánh dấu bước tiến mới cho xuất khẩu trực tuyến Việt Nam. Đây chính là “giai đoạn vàng” để thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam cất cánh.
100 doanh nghiệp tham gia sàn quốc tế
Kết thúc năm 2019, cũng là năm đầu tiên Công ty TNHH một thành viên Sản xuất và dịch vụ Hành Sanh gia nhập sàn thương mại điện tử Alibaba, doanh thu của doanh nghiệp tại thị trường quốc tế đã đạt mức 150.000 USD. Đến nay, doanh nghiệp sản xuất quạt điện có thương hiệu lâu đời này đã nhanh chóng thâm nhập 7 quốc gia. “Với việc lọt tốp 100 doanh nghiệp tiêu biểu đầu tiên tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba, chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động và củng cố vị thế cạnh tranh”, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất và dịch vụ Hành Sanh Tô Nghiệp Siêu bày tỏ.
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình Dương Như Đức, năm 2023, công ty đạt doanh thu 700 tỷ đồng. Trong năm 2024, với khoảng 70% đơn hàng đã được ký kết, doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 15-20%. Bên cạnh phương thức xuất khẩu truyền thống, xuất khẩu qua sàn Alibaba giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng và thị trường hơn, nhất là thị trường ở châu Á, trong đó tiêu thụ nhiều nhất là Malaysia, Indonesia... Kết quả này tạo đà để doanh nghiệp tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và đưa sản phẩm vươn xa.
Đây là hai trong số 100 doanh nghiệp tiêu biểu vừa được Bộ Công Thương phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba lựa chọn tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam “Vietnam Pavilion” trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Alibaba xây dựng và vận hành “Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion”. Gian hàng này tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế. Các doanh nghiệp được lựa chọn đạt 14 tiêu chí liên quan tới chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, trình độ thương mại điện tử, tiềm năng xuất khẩu, quy mô kinh doanh, phân bố địa lý và một số yếu tố khác.
“Gian hàng quốc gia Việt Nam là nơi trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời là nền tảng chiến lược để các doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng toàn cầu, từ đó tối đa hóa tiềm năng thị trường quốc tế”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Tận dụng cơ hội “giai đoạn vàng”
Nghiên cứu từ Access Partnership chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đã cao hơn gấp 2,3 lần tốc độ tăng của thương mại điện tử nói chung và có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Các chuyên gia thương mại điện tử cũng đánh giá, với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở "giai đoạn vàng" để xuất khẩu trực tuyến (online) bật tăng.
Để tận dụng lợi thế của thương mại số, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử uy tín với hàng trăm triệu nhà mua hàng trên phạm vi toàn cầu như Amazon, Alibaba... để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến. Theo Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong, Amazon cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn lực toàn cầu của sàn để kinh doanh thành công. Thay vì doanh nghiệp phải trực tiếp mở cửa hàng tại các nước sở tại, Amazon mang đến giải pháp bán hàng toàn cầu trên sàn thương mại điện tử.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh, trong hành trình hỗ trợ xúc tiến đưa hàng Việt vươn ra thế giới, Bộ Công Thương đang cùng Amazon Global Selling Việt Nam triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” nhằm nhanh chóng chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thu hẹp khoảng cách về năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 5 năm (2022-2026). Hai bên sẽ phối hợp đào tạo cho khoảng 10.000 doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi hoạt động trong ngành kinh tế số, từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thực tế cho thấy, đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới là động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường quốc tế, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của cả nước. Tuy nhiên, để bắt nhịp dòng chảy thương mại điện tử xuyên biên giới, các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, người bán cần hiểu hành vi tiêu dùng của người mua hàng thông qua thương hiệu lựa chọn, mức độ tin cậy, sự tiện lợi và dịch vụ phù hợp, đồng thời phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.