Bộ NN&PTNT thông tin, giá xuất khẩu cà phê Robusta đang lập kỷ lục khi trong tuần qua, tăng tới 4,9%.
Bộ NN&PTNT phân tích, nguyên nhân chính khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Cụ thể, nắng nóng xuất hiện tại vùng trồng cà phê trọng điểm của Việt Nam khiến nhiều nhà nhập khẩu lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê Robusta vụ mới sẽ khó khăn bởi Việt Nam là nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.
Bộ NN&PTNT dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 10% xuống 1,656 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán. Trong khi đó, tồn kho cà phê Robusta trên thế giới tiếp tục bấp bênh khiến tâm lý thị trường luôn trong tình trạng lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Giá cà phê Robusta tăng cũng kéo theo giá cà phê nói chung tăng. Qua khảo sát của Bộ NN&PTNT, những ngày qua, giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên tăng 5.000 - 5.200 đồng/kg. Giá cà phê tăng liên tục từ đầu năm đến nay với mức tăng khoảng 50%, nếu so cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê tăng gấp đôi.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 438 nghìn tấn cà phê, thu 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 1 tỷ USD chỉ sau 2 tháng.
Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh. Trong tháng 2, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước đó và tăng mạnh 50,6% so với tháng 2-2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so cùng kỳ năm trước. Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. Thị trường xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam chủ yếu là: Italia, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.