(HNM) - Từ ngày 1-8, hơn 40 địa phương trong cả nước đã chính thức thực hiện việc tăng giá dịch vụ y tế. Có 447 dịch vụ y tế được cơ quan chức năng cho phép áp dụng mức giá mới. Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế hiện hành đã quá lạc hậu so với thực tế, do vậy việc tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp là cần thiết để không thiệt thòi cho người bệnh, các bệnh viện và cán bộ y tế...
Trên quan điểm đó, dư luận xã hội hoàn toàn ủng hộ ngành chức năng. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm là cùng với việc tăng giá các dịch vụ y tế thì chất lượng của việc khám, chữa bệnh cũng như thái độ phục vụ của cán bộ ngành y tế có được nâng lên? Việc giám sát của ngành chức năng được thực hiện như thế nào?
Dù việc tăng giá dịch vụ y tế thực hiện chưa được một tuần, nhưng với những vấn đề nêu trên có thể thấy nhiều bất cập đã bộc lộ. Trước hết là tình trạng các bệnh viện không công khai bảng giá dịch vụ y tế đã được phê duyệt. Người bệnh chỉ biết giá dịch vụ tăng, nhưng tăng cụ thể bao nhiêu, đâu là chuẩn mực thì không rõ. Và, chẳng người bệnh nào khi vào bệnh viện lại "dám" hỏi y tá, bác sĩ về những chuyện này. Do đó, ngày 3-8, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã phải có công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định công khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Mặt khác, cũng theo cơ quan chức năng, việc điều chỉnh viện phí sẽ được giám sát chặt chẽ, nếu cơ sở khám chữa bệnh nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá dịch vụ y tế đã điều chỉnh, sẽ yêu cầu hoặc bắt buộc phải hạ giá. Song, cụ thể việc giám sát sẽ được thực hiện như thế nào thì... chịu! Vậy nên tính chặt chẽ, minh bạch là trên lý thuyết hay trên thực tế thì câu trả lời còn bỏ ngỏ.
Ở một khía cạnh khác, Bộ Y tế cho rằng, với việc điều chỉnh giá của 447 dịch vụ y tế thì Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2012 có khả năng cân đối được. Nhưng chỉ mới bắt tay vào thực hiện thì đã nổi lên nỗi lo thâm hụt quỹ. Theo tính toán, nếu vẫn duy trì mức phí tham gia BHYT như hiện nay (4,5% mức tiền công/tiền lương/lương hưu/trợ cấp/mất sức lao động/mức lương tối thiểu) thì Quỹ BHYT sẽ âm từ 12.000 đến 15.000 tỷ đồng/năm. Và cũng theo nhận xét của một số cán bộ làm công tác bảo hiểm thì nhiều bệnh viện đưa ra mức giá mới cho một số dịch vụ y tế là chưa hợp lý. Ví dụ, trong cơ cấu giá dịch vụ châm cứu laze, mặc dù không cần sử dụng kim nhưng lại thống kê phải dùng tới 3 chiếc kim dài 15-20cm (2.500 đồng/chiếc) và 15 kim ngắn 6-8cm (600 đồng/chiếc), tiền bông cũng hết tới 2.100 đồng/lần châm; hay như mỗi lần siêu âm cộng thêm cả giá thành 2 đôi găng tay dù những người làm công việc này chẳng thấy bao giờ sử dụng găng tay; tương tự là việc mỗi bác sĩ thay khẩu trang và mũ 4-5 lần/ngày...
Nói cách khác, với nhiều nơi, chủ trương tăng giá dịch vụ y tế được coi là cơ hội để... tăng thu bằng nhiều cách mà việc khai khống vật tư như đã nêu là ví dụ.
Xin thưa, ở đây dù là tiền bệnh nhân phải móc túi nộp vào hay tiền được trích lại từ Quỹ BHYT cho các bệnh viện cũng đều là mồ hôi, công sức lao động mà có chứ không phải từ trên trời... rơi xuống. Do đó, cùng với việc tăng giá các dịch vụ y tế một cách công khai, minh bạch, cơ quan chức năng cần phải tổ chức tốt việc quản lý, giám sát, tránh tình trạng "tăng giá đầu vào, thả nổi đầu ra". Như vậy thì tăng bao nhiêu cho đủ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.