(HNM) - 2017 là năm ghi dấu mốc quan trọng với nhiều đột phá của ngành Nông nghiệp Việt Nam khi thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 37 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
Có được kết quả trên là do năm 2017, sản xuất nông nghiệp của cả nước đã vận động mạnh mẽ, không ngừng đổi mới. Đã có những thay đổi theo chiều sâu khi nền nông nghiệp mang định hướng rõ nét, tập trung hơn vào các sản phẩm chủ lực, giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng rau, quả, nuôi trồng thủy sản; sản xuất nông nghiệp bám sát nhu cầu của thị trường, sản phẩm ngày càng đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn để hướng đến hoạt động xuất khẩu. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã tạo được dấu ấn rõ nét trên “bản đồ nông sản” thế giới và đang tiến sâu vào những thị trường khó tính.
Cùng với đó, cơ quan chức năng đã tiên liệu, định hướng những vấn đề có tầm ảnh hưởng đến thương mại nông sản Việt Nam. Nhiều yếu kém của nền nông nghiệp được “mổ xẻ” để thấy rõ thực trạng trong xuất khẩu nông sản, như: Sức cạnh tranh còn kém, chưa có thương hiệu, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều. Đặc biệt, những rào cản về kỹ thuật đang là khó khăn lớn với rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam…
Để mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2018 đạt 40 tỷ USD trở thành hiện thực, hàng loạt vấn đề đã được nhìn nhận ngay từ những ngày đầu của năm với yêu cầu quan trọng là phải thực hiện tổng hòa nhiều giải pháp để hướng đến sự phát triển bền vững.
Về mặt vĩ mô, ngành Nông nghiệp cần tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường nông sản thế giới để phục vụ doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sản phẩm phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, nông dân; điều chỉnh chính sách theo hướng đầu tư cho ngành Nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, xây dựng hình ảnh, nâng cao thương hiệu nông sản trên thị trường quốc tế; chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin và kết nối thị trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước để thúc đẩy xúc tiến thương mại nông sản…
Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần tiếp tục hiện thực hóa quy hoạch các vùng sản xuất, dựa trên nhu cầu xuất khẩu của thị trường. Với những mặt hàng ở các nước có chính sách bảo hộ hay rào cản kỹ thuật khắt khe, cần hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao, các kỹ thuật tiên tiến từ sản xuất đến chế biến, bảo quản… để hàng hóa đạt yêu cầu xuất khẩu. Mặt khác, tiếp tục nhân rộng hơn nữa các mô hình sản xuất đạt yêu cầu tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Về lâu dài, các thị trường nhập khẩu nông sản đều đòi hỏi bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với tiêu chuẩn ngày càng ngặt nghèo, do đó, doanh nghiệp sản xuất cần nâng cao chất lượng hàng hóa. Đồng thời xây dựng các giải pháp đồng bộ, triển khai hiệu quả định hướng chiến lược xuất khẩu nông sản, tối đa hóa giá trị gia tăng bằng công nghệ sơ chế, chế biến tiên tiến và hiện đại; thay vì sản xuất sản phẩm thô phải tập trung phát triển chế biến…
Để thực hiện thành công “năm bản lề” trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 của ngành Nông nghiệp, những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp rất cần “ngấm” tinh thần sản xuất an toàn, chất lượng, cạnh tranh và đúng quy hoạch. Đây là công việc không dễ thực hiện trong một sớm, một chiều, mà đòi hỏi các cấp, ngành cần sát sao hơn, kiên trì, bền bỉ hơn… Có như vậy thì những bứt phá về xuất khẩu nông sản trong thời gian qua mới trở nên bền vững, có chiều sâu và nông sản Việt mới đủ sức vươn xa trên thị trường toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.