(HNM) - Với mục tiêu giữ ổn định diện tích lúa trong khoảng từ 90 đến 92 nghìn héc ta vào năm 2020, ngành nông nghiệp Hà Nội đang triển khai đề án cơ giới hóa (CGH) đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch lúa nhằm giảm chi phí, giải phóng sức lao động và tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, việc triển khai CGH hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do ruộng đất manh mún, tâm lý bà con nông dân ngại chuyển đổi và cơ chế, chính sách hỗ trợ công việc này còn nhiều bất cập.
Nguồn: Internet |
Đề án CGH trong nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 của Hà Nội đề ra mục tiêu với ngành trồng trọt sẽ đẩy mạnh CGH ở khâu làm đất đạt 90-95% diện tích; khâu gieo cấy đạt 40-45%; khâu thu hoạch đạt 45-50%; từng bước áp dụng CGH trong khâu bảo quản, chế biến nông sản. Hiện, tổng diện tích đất gieo cấy lúa của Hà Nội vào khoảng 200.000 ha/năm với 6.664 máy làm đất các loại; 334 máy gặt đập liên hợp… CGH trong sản xuất lúa mới tập trung ở khâu làm đất (khoảng 80% diện tích), còn lại các khâu làm mạ, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… người dân vẫn thực hiện phương pháp thủ công. Phú Xuyên là huyện tiên phong thực hiện CGH sản xuất lúa tạo đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu cho biết, sản xuất lúa đang tồn tại ba hình thức gieo cấy gồm: Cấy tay, gieo sạ và cấy bằng máy. Đối với gieo sạ, mô hình này được triển khai từ năm 2007 nhưng đến nay mới đạt khoảng 7% diện tích và chưa thể mở rộng. Nguyên nhân là thời tiết miền Bắc có đặc điểm vụ xuân hay gặp rét đậm, rét hại và vụ mùa có mưa đầu vụ nên gieo sạ gặp nhiều khó khăn. Còn phương pháp cấy tay truyền thống, người dân phải mất thêm chi phí che phủ ni lông chống rét cho mạ, vừa tăng chi phí, vừa khó chăm sóc, tốn công lao động. Cấy bằng máy, sử dụng mạ khay chính là phương thức sản xuất Phú Xuyên lựa chọn áp dụng trong thời gian tới.
Khó khăn lớn nhất của Hà Nội trong việc CGH là do ruộng đất manh mún, khó dồn ô đổi thửa để hình thành những vùng sản xuất lớn. Với mức bình quân 4,8 thửa/hộ và chỉ khoảng 400 m2/thửa, thậm chí nhiều nơi diện tích ô, thửa chỉ đạt 200m2 thì đây là rào cản lớn đối với quá trình đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ nhiệm HTX Yên Nội (Đồng Quang, Quốc Oai) cho rằng, có trang bị máy móc mà không có cánh đồng lớn để thực hiện thì việc triển khai khâu CGH cũng bế tắc. Để dọn đường cho CGH thì việc dồn ô đổi thửa phải được giải quyết đầu tiên. Hiện nông dân, đặc biệt là các huyện ven đô người dân có tâm lý chờ dự án nên ngại không muốn dồn ô, đổi thửa. Ngoài ra, do không có vốn đầu tư mua sắm máy gieo cấy và thu hoạch nên nhiều hộ vẫn chọn phương pháp cấy truyền thống.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc áp dụng CGH vào sản xuất lúa là điều tất yếu phải làm của ngành nông nghiệp Thủ đô. Để nhân rộng các mô hình CGH, vụ xuân 2012 Hà Nội có 5 mô hình tổ chức sản xuất mạ khay, máy cấy, trong đó 4 mô hình do tổ dịch vụ HTX đảm nhận; một mô hình DN làm dịch vụ đồng bộ cho nông dân từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Qua áp dụng cho thấy, sử dụng máy cấy, lúa đạt mật độ đồng đều, khoảng cách hàng cố định 30cm; khoảng cách cây có thể điều chỉnh từ 12 đến 21cm. Chính vì vậy tạo độ đồng đều trong quần thể ruộng lúa; phát huy được hiệu ứng hàng biên nên năng suất, chất lượng lúa tăng rõ rệt; ruộng thông thoáng, giảm sâu bệnh. Theo tính toán, việc áp dụng CGH đồng bộ vào sản xuất lúa theo mô hình này sẽ giảm chi phí khoảng 220.000 đồng/sào. Hơn nữa, giải phóng được thời gian và sức lao động cho nông dân. Tuy nhiên, để tổ chức máy cấy được thì khâu làm mạ khay quyết định đến 80%. Ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, khay mạ theo mẫu của Nhật Bản tồn tại nhiều bất cập khi áp dụng trên đồng đất Hà Nội, ngoài việc tập huấn cho nông dân làm quen với phương pháp gieo mạ khay cần điều chỉnh độ lớn khay cho phù hợp. Đối với các DN khi tiến hành bán máy cần có chương trình bảo hành, đào tạo để nông dân tiếp nhận, đặc biệt là chương trình sau bán hàng để nông dân tin tưởng vào chất lượng và giá cả. Khó khăn lớn nhất hiện là vấn đề kinh phí đầu tư CGH với giá bán mỗi chiếc máy lên tới hàng trăm triệu đồng, thành phố cần sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho các HTX và bà con nông dân.
Hà Nội mới triển khai được hai năm, nhiều mô hình áp dụng CGH đã cho kết quả, chỉ riêng khâu cấy, mỗi héc ta lúa cấy bằng máy cho hiệu quả cao hơn cấy tay 7 - 8 triệu đồng, nếu triển khai trên toàn bộ diện tích lúa 100.000 ha/vụ của Hà Nội sẽ có lợi nhuận khoảng 700 - 800 tỷ đồng/vụ. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nhận định, việc đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp thực sự cần thiết, hiệu quả, thành phố sẽ xem xét để từng bước gỡ khó cho chủ trương này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.