(HNM) - Là nước xuất khẩu gạo lớn, song đời sống người trồng lúa nước ta vẫn rơi vào cảnh nghèo khó, hiệu quả kinh tế từ mặt hàng này chưa đúng với giá trị thực của nó. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí sản xuất lớn, tổn thất sau thu hoạch cao, công nghệ còn lạc hậu...
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có nhiều chính sách khuyến khích các địa phương đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp nhằm hiện đại hóa và tăng nhanh giá trị thu nhập.
|
Máy gặt liên hợp tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Đỗ Minh |
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), hiện tỷ lệ CGH trong sản xuất lúa ở khâu làm đất và vận chuyển đạt trên 80%; khâu tưới tiêu đạt trên 85%; riêng khâu thu hoạch mới chỉ đạt trên 40%. TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG cho rằng, nhiều tỉnh, thành phố đưa CGH vào sản xuất lúa còn rất thấp, nông dân vẫn cặm cụi làm đất, gieo mạ, cấy, gặt thủ công, không chỉ ảnh hưởng tới tính thời vụ mà còn lãng phí chi phí vật tư, lao động. Đặc biệt, khâu thu hoạch lúa vốn nặng nhọc nhất nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cũng cao nhất. Bộ NN&PTNT vừa thống kê cho thấy, nếu thu hoạch thủ công tỷ lệ hao hụt từ 5% đến 8%, còn thu hoạch bằng máy hao hụt cao nhất chỉ 3%. So với thu hoạch bằng phương pháp truyền thống thì việc áp dụng CGH có thể giảm chi phí từ 10% đến 20%. Thất thoát lúa trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch của Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3,2 triệu tấn lúa/năm, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy khoảng 970.000 tấn, tương đương 233 triệu USD. Nếu không có khoản thất thu này thì việc bảo đảm lợi ích cho nông dân trồng lúa có lãi 30% theo chủ trương Chính phủ sẽ dễ dàng được thực hiện, doanh nghiệp cũng có lợi. Ông Trương Nam Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định, đưa CGH đồng bộ vào sản xuất lúa là điều kiện tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Đó cũng là xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cũng cho rằng, đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp là bước đột phá để hoàn thành những mục tiêu NTM đề ra.
Đối với Hà Nội, trong phát triển nông nghiệp hàng hóa đã xác định, chỉ có áp dụng biện pháp CGH vào nông nghiệp mới giảm chi phí và thất thoát. Hà Nội hiện có trên 4 triệu dân sống ở nông thôn với trên 200.000ha đất sản xuất lúa hàng năm. Tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, lao động nông thôn chủ yếu là người già và trẻ em, nên Hà Nội phải đẩy nhanh việc đưa CGH vào sản xuất. Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết: Đề án CGH nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 của Hà Nội sẽ đẩy mạnh CGH ở khâu làm đất đạt 90-95% diện tích; khâu gieo cấy đạt 40-45%; khâu thu hoạch đạt 45-50%. Hiện Hà Nội có 6.664 máy làm đất các loại và 334 máy gặt đập liên hợp… ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế do diện tích lớn, đất đai manh mún, đa số các hộ có từ 4 đến 5 ô thửa, địa hình không bằng phẳng, nông dân vẫn sản xuất canh tác theo lối cũ nên việc đưa CGH vào còn chậm. Hà Nội đã tạo cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các địa phương áp dụng CGH. Hà Nội đã triển khai kế hoạch dồn điền đổi thửa ở 19 huyện, thị xã phấn đấu trong hai năm 2012 và 2013 phải hoàn thành tạo bước đột phá thuận lợi cho áp dụng CGH. Nhiều huyện là Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ… đã xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai DĐĐT khá hiệu quả, tiến độ đạt từ 50% đến 70% diện tích trong năm 2012 này.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, mới đây Hà Nội đã ban hành Quyết định 16/QĐ-UBND nhằm hỗ trợ, khuyến khích các địa phương phát triển nông nghiệp trong đó có cơ chế đẩy mạnh CGH vào sản xuất như hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân trong 3 năm đầu tiên để mua các loại máy làm đất, gieo cấy, gặt đập liên hợp, xây dựng kho bảo quản, đồng thời hỗ trợ mỗi xã 1 triệu đồng/ha chi phí cho dồn điền đổi thửa. Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân và các hợp tác xã, Sở NN&PTNT vừa ký văn bản thỏa thuận với Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây lo đủ nguồn vốn cho vay mua máy móc nông nghiệp phục vụ chương trình CGH. Hiện hai huyện Phú Xuyên và Chương Mỹ đã lập kế hoạch mỗi huyện mua từ 70 đến 80 máy cấy, gặt đập liên hợp ngay trong năm 2012 này. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng 45 mô hình trình diễn đưa các loại máy cấy, gặt đập và đưa 3.000 giàn xạ lúa kéo tay theo hàng để tạo mô hình và đẩy nhanh tốc độ CGH trong sản xuất nông nghiệp Hà Nội nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.